Tham gia đoàn công tác còn có ông Uông Quang Huy - Phó Chủ tịch Công đoàn Điện lực Việt Nam; kiểm soát viên EVN; các ban chuyên môn EVN; lãnh đạo Ban QLDA Điện 2; lãnh đạo các nhà thầu thi công, tư vấn, giám sát, cung cấp thiết bị cho dự án.
Báo cáo tại buổi giao ban, ông Nguyễn Đức Minh – Phó Giám đốc Ban QLDA điện 2 cho biết, trong quý III năm 2024, nhiều hạng mục công trình hoàn thành và vượt kế hoạch như đào và gia cố kênh dẫn vào cửa lấy nước, đào và gia cố kênh xả, bê tông và lắp đặt thiết bị nhà máy,... Tuy nhiên, cũng còn một số hạng mục thi công chưa đáp ứng như: bê tông cốt thép đường ống áp lực, phun lấp đầy hầm dẫn nước gương 5, xử lý khuyết tật bê tông hầm dẫn nước, bê tông nút các hầm phụ.
Tại buổi làm việc, các nhà thầu tham gia dự án cũng đã báo cáo tiến độ triển khai các hạng mục, những khó khăn thách thức, giải pháp và đề xuất kiến nghị để đẩy nhanh tiến độ thi công, lắp đặt, đáp ứng tiến độ theo yêu cầu của chủ đầu tư.
Ông Hoàng Thọ Dương - Kỹ sư PECC1 (hàng trên, thứ hai từ trái sang) đang lắng nghe Phó Tổng giám đốc EVN Phạm Hồng Phương chỉ đạo tối ưu giải pháp, đẩy nhanh tiến độ dự án- Ảnh C. Cường
|
Kiểm tra thực tế tại công trường và nghe báo cáo của Ban QLDA điện 2 cùng các nhà thầu, Phó Tổng giám đốc EVN Phạm Hồng Phương yêu cầu Ban QLDA điện 2 và các nhà thầu cần chủ động bố trí nhân lực, vật tư; lường trước các tình huống thiên tai, mưa lũ, tối ưu giải pháp đẩy nhanh tiến độ thi công; hoàn thành phát điện các tổ máy theo mục tiêu tiến độ đề ra.
Cụ thể, lãnh đạo EVN yêu cầu các nhà thầu hoàn thành bê tông sân đường khu vực cửa lấy nước trước ngày 30/11/2024; hoàn thành công tác khoan phun lấp đầy, xử lý thấm, khuyết tật bê tông trước ngày 15/10/2024; hoàn thành toàn bộ bê tông chèn đường ống áp lực trước ngày 10/10/2024,...
Đặc biệt, Phó Tổng giám đốc EVN nhấn mạnh, tất cả các đơn vị cần dồn lực để hòa lưới phát điện Tổ máy 1 ngày 20/11/2024; phấn đấu hòa lưới phát điện Tổ máy 2 ngày 21/12/2024 và hoàn thành toàn bộ công trình trước ngày 30/6/2025.
Cùng với việc tập trung đẩy nhanh tiến độ, lãnh đạo EVN cũng yêu cầu Ban QLDA Điện 2 cần tiếp tục tập trung chỉ đạo, điều hành, phối hợp chỉ đạo các lực lượng trên công trường tiếp tục thực hiện tốt công tác an toàn, phòng cháy chữa cháy, phòng chống thiên tai, bảo vệ môi trường...
Dự án Nhà máy Thủy điện Ialy mở rộng do EVN làm chủ đầu tư, giao Ban QLDA Điện 2 thay mặt chủ đầu tư quản lý, điều hành. Dự án gồm 2 tổ máy với tổng công suất lắp đặt 360MW.
Dự án mở rộng Thủy điện Ialy nằm trong chiến lược phát triển năng lượng xanh và bền vững của EVN, qua đó không chỉ tăng cường công suất thủy điện, mà còn tăng cường tính bền vững và hiệu suất của hệ thống điện trong bối cảnh năng lượng tái tạo phát triển rất mạnh.
Theo EVN
Nhiệm vụ của PECC1 tại dự án:
- PECC1 thực hiện nhiệm vụ Tư vấn lập thiết kế bản vẽ thi công (không bao gồm thiết kế cảnh quan công trình); thiết kế chế tạo thiết bị cơ khí thủy công; mô tả địa chất hố móng trong quá trình xây dựng công trình. Tư vấn quan trắc, lập báo cáo đánh giá kết quả quan trắc và trạng thái công trình.
- Các thành tích nổi bật của PECC1 tại dự án:
- Năm 2023 là năm bản lề thi công các công trình bê tông để phục vụ công tác lắp đặt thiết bị cơ khí thủy lực của nhà máy trong năm 2024 và phục vụ mục tiêu phát điện trong năm 2024. Với nhiều kinh nghiệm thực hiện các Dự án, các kỹ sư của Công ty đã lựa chọn, bố trí thiết kế các hạng mục phù hợp với trình tự thi công đảm bảo an toàn, đáp ứng tiến độ thi công và vận hành sau này;
- Công ty đã áp dụng công nghệ thiết kế mới như BIM cho tất cả các khâu từ khảo sát đến thiết kế để đẩy nhanh tiến độ và hạn chế sai sót có thể xảy ra. Theo đó, công tác khảo sát địa chất được mô phỏng theo 3D các hệ thống khe nứt, đứt gãy để từ đó đưa ra giải pháp công trình phù hợp hơn. Công tác thiết kế cũng được mô phỏng theo các mô hình bằng công nghệ BIM để tránh các xung đột xảy ra trong quá trình thiết kế để giảm thiểu thời gian sửa chữa tại hiện trường và đẩy nhanh tiến độ thi công ngoài thực địa.
- Công tác mô tả hố móng luôn thường trực tại hiện trường, cùng với GSTG phối hợp TVGS đưa ra giải pháp gia cố mái đào hở cũng như gần 4km đường hầm và tháp điều áp ngầm có khoang ngầm dưới với bề rộng 15,5m, chiều cao khoang đào là 15,6m. Giếng đứng của tháp điều áp đường kính ngoài là 14,0m, buồng trên tháp điều áp có bề rộng đào là 13,0m, chiều cao đào là 14,6m và được thiết kế không áo.
- Thủy điện Ialy mở rộng là dự án đứng thứ 3 ở Việt Nam có thể tích khoang ngầm và các hạng mục ngầm phức tạp nhất Việt Nam (sau TĐ Ialy, TĐ Huội Quảng, TĐ Hòa Bình). Cho đến nay, PECC1 là tư vấn duy nhất ở Việt Nam thiết kế hoàn thành Nhà máy thủy điện ngầm (đã đi vào vận hành). Riêng nhà máy ngầm thủy điện Hòa Bình do Nga thiết kế.
- Với quyết tâm thực hiện thiết kế các hạng mục công trình của công trình thủy điện Ialy mở rộng, PECC1 đã đáp ứng các hồ sơ thiết kế đảm bảo tiến độ công tác thi công bê tông năm 2023 phục vụ lắp đặt thiết bị điện năm 2024 và phục vụ mục tiêu phát điện năm 2024. Với thành tích đạt được, Tập đoàn Điện lực Việt Nam đã tặng Bằng Khen cho tập thể PECC1 và ông Nguyễn Hữu Chỉnh - Chủ nhiệm thiết kế của Dự án.
|