Cache bộ xử lý
Khi nói đến bộ xử lý CPU của máy tính, có rất nhiều thông số cho biết mức độ hiệu suất mà chúng cung cấp. Đầu tiên phải kể đến là tên model. Chẳng hạn, trong thế giới Intel, chúng ta đều biết rằng bộ xử lý Intel Core i7 tốt hơn nhiều so với Core i5 và Core i3. Tiếp theo, trong cùng dòng model thì bộ xử lý được phân biệt “hơn thua” dựa vào tốc độ xung nhịp và số nhân bên trong.
Tuy nhiên, ngoài những yếu tố kể trên, còn có một thông số khác ảnh hưởng đến hiệu năng là bộ nhớ đệm của bộ xử lý (processor cache). Bộ nhớ cache của CPU đóng vai trò như là một nơi lưu trữ tạm thời những lệnh mà CPU cần xử lý. Lệnh này bao gồm tất cả thao tác mà bạn thường sử dụng trên máy tính, từ việc soạn thảo văn bản đơn giản đến chơi game nặng ký. Những lệnh này sẽ xếp hàng chờ được xử lý. Vì vậy, bộ nhớ đệm càng lớn thì sẽ chứa được nhiều lệnh hơn và nhờ đó giúp rút ngắn thời gian chờ, tăng hiệu suất làm việc của CPU.
Về mặt kỹ thuật, cache bộ xử lý là một dạng bộ nhớ đệm được thiết kế để làm việc dựa trên nguyên tắc hoạt động tương tự như bộ nhớ RAM. Cache bộ xử lý lưu dữ liệu tạm thời cho các ứng dụng cần thiết để tăng tốc độ truy xuất mà không cần phải ghi nó vào ổ cứng như thông thường. Nhờ vậy, các tác vụ CPU có thể được xử lý nhanh hơn.
Cache bộ xử lý thường có 3 mức L1, L2 và L3. Trong quá trình CPU xử lý, cache L1 sẽ kiểm tra xem cache L2 có những gì nó cần hay không. Sau đó, cache L2 sẽ tiếp tục lấy thông tin từ cache L3 và những thông tin này thường được lấy từ RAM, ổ cứng. Cache L1 thường có dung lượng chỉ vài chục KB (từ 8 – 32KB). Cache L2 thường có dung lượng khoảng vài trăm KB hoặc vài MB (256KB, 512KB, 1MB, 2MB, 4MB, 6M, 8M) và cache L3 cũng thường có dung lượng khoảng vài MB.
Tốc độ vòng quay ổ cứng
Nói về ổ đĩa cứng truyền thống HDD của máy tính, người ta chủ yếu thường chỉ đề cập đến mức dung lượng và giao tiếp của chúng. Hiện nay, giao tiếp phổ biến của ổ cứng HDD gắn trong là chuẩn SATA-3 mới nhất, hỗ trợ tốc độ truyền dữ liệu theo lý thuyết lên đến 6Gb/s, đồng thời vẫn có thể tương thích ngược với chuẩn giao tiếp SATA-2 cũ hơn với tốc độ 3Gb/s.
Tuy hiệu suất nói chung của ổ cứng HDD được xác định bởi nhiều yếu tố, nhưng có một thông số ảnh hưởng đến tốc độ ổ cứng mà nhiều người ít để ý đó là tốc độ vòng quay mỗi phút (RPM - round per minute).
Về cơ bản, cấu trúc bên trong HDD gồm nhiều phiến đĩa xếp chồng lên nhau theo trục đứng. Tốc độ vòng quay của các phiến đĩa bên trong có thể tác động rất lớn đến tốc độ xử lý chung của ổ cứng cũng như của máy tính. RPM càng cao có nghĩa là tốc độ truyền dữ liệu càng nhanh. Ổ cứng loại 3,5 inch trên thị trường hiện nay thường có tốc độ 7.200RPM, trong khi loại ổ 2,5 inch thường là 5.400RPM.
Mức xung nhịp và độ trễ RAM
Thêm RAM vào máy tính là một trong những cách dễ dàng nhất để tăng hiệu suất tổng thể. Giải pháp này thực tế có thể tăng gấp đôi hiệu năng nếu hệ thống của bạn đang sử dụng ổ cứng HDD thay vì ổ SSD. Đó là bởi vì nếu bạn mở một ứng dụng cần nhiều RAM để chạy trong khi RAM hệ thống đang dư dả thì nó sẽ không cần phải tạm thời ghi dữ liệu vào ổ cứng như thông thường.
Về mặt công nghệ, hiệu suất của RAM bị ảnh hưởng bởi hai thông số là tốc độ xung nhịp, hay còn gọi là tần số (frequency) và độ trễ (latency). Tốc độ của RAM được đo bằng đơn vị megahertz (MHz) và là yếu tố cho biết số lượng dữ liệu có thể được di chuyển đến thanh nhớ trong cùng một khoảng thời gian. Tần số càng cao sẽ giúp cho RAM có thể cải thiện đáng kể khả năng đồ họa tích hợp. Loại RAM phổ biến nhất đang được sử dụng trong hầu hết hệ thống máy tính cá nhân đời mới hiện nay là DDR3 với tốc độ bus dữ liệu 1.600MHz, mức cao nhất của công nghệ RAM DDR3.
Độ trễ có tác động nhiều hơn đến hiệu suất của RAM. Đây là yếu tố để đo sự chậm trễ trước khi bộ nhớ RAM có thể đạt được một nhiệm vụ cụ thể và được hiển thị bởi một nhóm gồm 4 con số chỉ thời gian, chẳng hạn như 6-8-7-12. Trong hầu hết trường hợp, con số càng thấp thì tốc độ càng nhanh. Độ trễ là một khái niệm mang tính chất kỹ thuật. Theo nguyên tắc chung, RAM có độ trễ càng thấp sẽ mang lại hiệu năng tốt hơn.
Tốc độ bus bo mạch chủ
Trong hệ thống bo mạch chủ máy tính, để chuyển tải dữ liệu giữa các thành phần linh kiện, nhiều tuyến mạch kết nối đã được lập ra, có chức năng tương đồng với các tuyến xe buýt trong cuộc sống thực tế nên do đó được đặt tên là bus. Tốc độ bus của bo mạch chủ cũng là một trong những yếu tố mà bạn cần nghĩ đến khi chuẩn bị xây dựng hệ thống máy tính cho riêng mình.
Bo mạch chủ là trung tâm của hệ thống máy tính, giúp kết nối tất cả thành phần khác như bộ xử lý, RAM, ổ cứng ,… nên tốc độ bus của bo mạch chủ đóng vai trò rất quan trọng trong hiệu suất chung của máy tính. Nó cũng là nền tảng xác định để bạn chọn những thành phần linh kiện khác khi cần lắp mới hoặc nâng cấp hệ thống cũ.
Ví dụ, bo mạch chủ chỉ hỗ trợ khe RAM có tốc độ tối đa 1.333MHz nên bạn cần chọn loại RAM tương thích. Mặc dù nó có thể làm việc với RAM 1.600MHz nhưng khi đó hiệu năng chung chỉ đạt mức tốc độ thấp hơn.
Độ phân giải màn hình
Nếu thường xuyên chơi game trên máy tính hoặc làm việc liên quan đến đồ họa thì chắc hẳn ai trong chúng ta đều biết độ phân giải màn hình ít nhiều có liên quan đến hiệu suất hệ thống. Thiết lập độ phân giải càng cao thì chất lượng đồ họa càng tốt, nhưng lúc đó sẽ hao tốn tài nguyên hơn cho CPU và GPU.
Về cơ bản, màn hình có độ phân giải càng cao sẽ mang lại trải nghiệm hình ảnh mượt mà và trung thực hơn. Ví dụ, nếu màn hình của bạn có độ phân giải Full HD 1.920x1.080 pixel, card đồ họa sẽ cần phải dựng khoảng 2 triệu điểm ảnh cho mỗi khung hình. Điều này cho hình ảnh sắc nét nhất trên màn hình nhưng như đã đề cập thì nó sẽ ảnh hưởng đến hiệu năng tổng thể của hệ thống.
Để đạt được hiệu suất nhanh hơn, bạn có thể giảm độ phân giải màn hình xuống, ví dụ có thể chọn mức 1.024x768 pixel. Lúc đó, card đồ họa sẽ chỉ đẩy được 768.000 điểm ảnh mỗi khung hình. Màn hình sẽ chuyển đổi độ phân giải lên mức cao hơn (upscale) và làm cho hình ảnh trở nên lớn hơn, nhưng điều này sẽ làm giảm chất lượng khiến mọi thứ có vẻ hơi mờ và nhìn chung có độ phân giải thấp hơn.
Theo PC world