Hội thảo về “Kết nối lưới, quản lý vận hành và phát triển các dự án Điện gió ngoài khơi”

Chiều ngày 01-6-2023, Phó Tổng Giám đốc EVNPECC1 – ông Trần Thái Hải đã cùng đoàn cán bộ, chuyên gia Công ty tham dự Hội thảo về kết nối lưới, quản lý vận hành và phát triển các dự án điện gió ngoài khơi (ĐGNK) do EVN, Nhóm Đối tác Năng lượng Việt Nam (VEPG) và GIZ phối hợp thực hiện.

Các đại biểu tại Hội thảo

Nhằm hỗ trợ EVN có thêm các thông tin liên quan đến việc phát triển các dự án ĐGNK và kết nối các nguồn điện năng lượng tái tạo, hướng tới chuyển dịch năng lượng xanh tại Việt Nam, hội thảo được tổ chức để chia sẻ kinh nghiệm quốc tế, giới thiệu về các vấn đề chung và kỹ thuật liên quan đến kết nối lưới, quản lý vận hành và phát triển dự án ĐGNK tại Việt Nam.

Điện gió ngoài khơi được coi là giải pháp đột phá nhằm đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia, giảm sự phụ thuộc vào các nguồn nhiên liệu nhập khẩu, giảm phát thải chất ô nhiễm và khí nhà kính. Với mục tiêu đến năm 2030 đưa vào vận hành 7 GW điện gió ngoài khơi, Việt Nam cần phải có quá trình chuẩn bị tích cực với các chính sách phù hợp để rút ngắn thời gian thực hiện. Chương trình Hỗ trợ Năng lượng GIZ và VEPG đã mời các chuyên gia chia sẻ kinh nghiệm quốc tế với EVN về lĩnh vực này.

Bà Cao Thu Yến, Chuyên gia EVNPECC1 trình bày bài báo cáo về Nghiên cứu điện gió ngoài khơi khu vực Bắc Bộ.

Tại Hội thảo, bà Cao Thu Yến, Chuyên gia EVNPECC1 đã có bài báo cáo về Nghiên cứu điện gió ngoài khơi khu vực Bắc Bộ với các nội dung gồm: Đánh giá tiềm năng gió; Xác định các khu vực loại trừ về môi trường, Kinh tế xã hội; Xác định khu vực điện gió tiềm năng; Giải pháp đấu nối lên lưới điện quốc gia; Lựa chọn vị trí khu vực để đầu tư ĐGNK.

Phát triển điện gió ngoài khơi là nội dung có liên quan chặt chẽ đến quy hoạch không gian biển. Với mục tiêu phát triển bền vững kinh tế biển, bảo vệ môi trường, bảo tồn hệ sinh thái và đa dạng sinh học, bảo đảm quốc phòng, an ninh và đối ngoại, hợp tác quốc tế hiệu quả, vùng biển dự kiến được phân thành các vùng cấm khai thác, vùng khai thác có điều kiện, khu vực khuyến khích phát triển đối với các ngành kinh tế biển, khu vực cần bảo vệ đặc biệt cho quốc phòng, an ninh, bảo vệ môi trường, bảo tồn hệ sinh thái và vùng nghiên cứu lập quy hoạch. Việc phân định tại quy hoạch như vậy sẽ xác định các khu vực biển tiềm năng, phân vùng phù hợp để phát triển điện gió ngoài khơi.

Bên cạnh đó, phát triển nguồn điện gió ngoài khơi quy mô lớn ở vịnh Bắc Bộ cần sự chuẩn bị tốt về đấu nối vào bờ và hệ thống truyền tải trên đất liền. Song song, cần có cơ chế khuyến khích áp dụng phát triển nguồn NLTT phân tán trên đất liền cho các vùng đặc thù. Tiêu chí phân vùng căn cứ theo tính cấp bách của nhu cầu, tiềm năng nguồn điện hoặc mức độ khó khăn truyền tải điện. EVNPECC1 là đơn vị có nhiều kinh nghiệm tư vấn cho EVN, các tỉnh cũng như các chủ đầu tư ngoài EVN trong việc đưa ra các giải pháp đấu nối và giải tỏa công suất phù hợp.

Ông Lê Quang Huy - kỹ sư EVNPECC1 (ngoài cùng bên trái) và Phó Tổng Giám đốc EVN - ông Nguyễn Tài Anh tại phần thảo luận nhóm do bà Bà Chiara Odetta Rogate – Chuyên gia năng lượng cấp cao, Ngân hàng Thế giới điều phối thảo luận.

Hội thảo cũng lắng nghe các đại biểu thảo luận sôi nổi về những nội dung như: Kế hoạch phát triển điện gió ngoài khơi của Việt Nam, thách thức và cơ hội trong phát triển điện gió ngoài khơi, kinh nghiệm của các chuyên gia quốc tế về kết nối lưới điện, lưới điện ngoài khơi dạng kết hợp và mắt lưới, kinh nghiệm quản lý vận hành, quy hoạch và phát triển các dự án điện gió ngoài khơi...

  • 01/06/2023 06:00