Những năm gần đây, các quốc gia châu Á đã và đang tăng cường nỗ lực để giảm lượng khí thải và tăng tỷ trọng của các nguồn năng lượng tái tạo trong lĩnh vực năng lượng. Các nước đều đã đưa ra cam kết thực hiện phát thải ròng bằng 0 nhằm ứng phó với biến đổi khí hậu và phát triển bền vững. Trong các nguồn năng lượng này, thủy điện là nguồn tài nguyên quý giá để đảm bảo phát triển năng lượng các-bon thấp và đáp ứng nhu cầu năng lượng ngày càng tăng. Cho đến nay, công suất thủy điện lắp đặt ở châu Á tính đến cuối năm 2021 là 594 GW, tăng 4% so với năm trước. Thủy điện chiếm gần 40% sản lượng phát năng lượng tái tạo trong khu vực. Loại hình này nhanh chóng đáp ứng với các tải khác nhau và cung cấp hỗ trợ nhu cầu cao điểm hiệu quả. Bên cạnh đó, tính linh hoạt và khả năng lưu trữ của thủy điện đã mang lại sự hỗ trợ hiệu quả và tiết kiệm trong việc cân bằng các nguồn năng lượng tái tạo không liên tục như năng lượng mặt trời và gió.
Ông Lê Quang Huy - Kỹ sư EVNPECC1 trình bày bài thuyết trình tại Hội nghị
Hội nghị lần này diễn ra với sự góp mặt của nhiều chuyên gia đến từ các tổ chức, tập đoàn lớn tại các nước như Ấn Độ, Nepal, Singapore, Thailand, Indonesia, Philippines, Laos,… EVNPECC1 tự hào được tham gia hội nghị với bài thuyết trình về “Sự phát triển của thủy điện tại Việt Nam – Quá khứ, hiện tại, tương lai”. Nội dung bài thuyết trình phác họa quá trình phát triển của Thủy điện Việt Nam từ thời Pháp thuộc đến nay, cũng như tương lai phát triển của thủy điện Việt Nam theo Quy hoạch điện VIII. Phát biểu tại hội nghị, ông Lê Quang Huy – kỹ sư EVNPECC1 cho biết về một số vấn đề phát sinh khi lập quy hoạch như vấn đề môi trường và xã hội. Bên cạnh đó, các dự án tích năng hiện có chưa bao trùm được những khu vực có nhiều năng lượng tái tạo, các dự án thủy điện vận hành đang phải đảm đương nhiều nhiệm vụ khác so với yêu cầu thiết kế ban đầu như bổ sung chống lũ/ cấp nước ở hạ du khu vực Trung bộ và Nam bộ, cũng như các yêu cầu về môi trường ngặt nghèo hơn v.v…Trong tương lai, cần phải tích hợp khả năng chống chịu với khí hậu vào quy hoạch, phát triển và xây dựng thủy điện cũng như các chiến lược vận hành và bảo dưỡng.
Nhiệm vụ của hội nghị là nêu bật những cơ hội sắp tới, xác định những vấn đề và thách thức chưa được giải quyết, đồng thời thảo luận về triển vọng tương lai của phân khúc thủy điện ở châu Á. Hội nghị cũng sẽ cung cấp nền tảng để giới thiệu các công nghệ mới và đầy hứa hẹn, đồng thời giới thiệu các dự án thủy điện điển hình đang sử dụng những phương pháp xây dựng và chiến lược O&M, cũng như các dự án đáng chú ý khác trong khu vực.Hội nghị diễn ra với các chủ đề thảo luận chính gồm:
- Quy hoạch và triển vọng của quốc gia
- Chiến lược quản lý tài sản và o&m
- Kỹ thuật số và tự động các nhà máy thủy điện
- Sửa chữa & bảo trì các nhà máy điện.
- Xu hướng đầu tư và thách thức
- Tập trung vào các công nghệ thủy điện tích năng
- Các công nghệ hỗn hợp (điện mặt trời nổi, v.vv…)
- Mua bán điện trong khu vực và sự hợp tác xuyên biên giới
- Vai trò của nhà máy thủy điện hướng tới net zero
- Kinh nghiệm và cơ hội thủy điện nhỏ
- Yêu cầu cơ sở hạ tầng truyền tải
- Chi phí và thuế quan
- Những tiến bộ trong tua bin và máy phát điện
- Hầm và các công trình ngầm
- Các dự án điển hình