Hội nghị được tổ chức để tập hợp các nhà hoạch định chính sách, các nhà lãnh đạo công nghiệp, các nhà sản xuất điện, các chuyên gia về thu giữ và lưu trữ carbon, các nhà sản xuất Hydro và các nhà cung cấp công nghệ xanh với mục đích chia sẻ cái nhìn sâu sắc về lộ trình nền kinh tế Hydro ASEAN.
Sự phát triển của nền kinh tế Hydro nhằm cho phép các quốc gia đạt được chiến lược khử cacbon sâu một cách hiệu quả, giúp các quốc gia đạt được những mục tiêu về khí hậu, đồng thời thúc đẩy tăng trưởng xanh và tạo ra các thành phố, ngành công nghiệp và việc làm bền vững.
Giáo sư Abdul Aziz S.A. Kadir - Chủ tịch tập đoàn Confexhub - Trưởng ban tổ chức phát biểu khai mạc Hội nghị
Đã đến lúc các quốc gia Đông Nam Á khai thác tiềm năng của Hydro, đưa Hydro trở thành một loại năng lượng thân thiện với môi trường, an toàn và giá cả phải chăng để mở ra các cơ hội mới trong lĩnh vực năng lượng, giao thông vận tải, khai thác mỏ và công nghiệp. Hội nghị thượng đỉnh này nhằm tăng cường hiểu biết và chia sẻ kinh nghiệm cho các nhà hoạch định chính sách khi thiết lập các khuôn khổ và lộ trình; hướng dẫn các ngành mở ra cơ hội, xây dựng kế hoạch và chiến lược kinh doanh; và cho các cơ quan tài trợ và ngành dịch vụ tài chính để thúc đẩy các dự án Hydro sạch thông qua các công cụ tài chính xanh và cơ chế tài trợ.
Do tính linh hoạt và tính chất thân thiện với môi trường, Hydro đang tạo ra một bước ngoặt đáng kể trong quá trình chuyển đổi năng lượng sạch như một loại nhiên liệu không phát thải ròng trong các lĩnh vực vận tải, xây dựng và sản xuất điện. Những tiến bộ trong công nghệ thu giữ, sử dụng và lưu trữ carbon, và việc tiếp tục giảm chi phí sản xuất cùng với các chính sách khử carbon trên toàn thế giới, đã dẫn đến sự tiêu thụ lớn nguyên liệu Hydro sạch trong lĩnh vực khai thác và công nghiệp. Trong Báo cáo hiểu biết về Hydrogen năm 2021, các chính phủ trên toàn cầu đã cam kết chi hơn 70 tỷ USD cho hơn 200 dự án và cam kết thực hiện hơn 30 lộ trình và chính sách. Nhu cầu năng lượng Hydro toàn cầu đã tăng trưởng theo quỹ đạo và được đặt mục tiêu đạt 530 triệu tấn mỗi năm vào năm 2050. Tương lai nào cho các nước Đông Nam Á? Và, những tác động của việc không có chiến lược Hydro trong mục tiêu tăng trưởng của các quốc gia Đông Nam Á là gì? Đó sẽ là những câu hỏi sẽ được thảo luận trong Hội nghị thượng đỉnh lần này.
Các chủ đề chính trong hội nghị bao gồm:
- Phần một: Tương lai của Hydrogen - Rẻ, Không ô nhiễm và An toàn
- Phần hai: Hydro trong ngành điện
- Phần ba: Khả năng linh hoạt của Hydro và Pin nhiên liệu
- Phần bốn: Quỹ đạo phát triển của Hydro xanh trong các ứng dụng công nghiệp
Ông Nguyễn Kim Cương - Phó Tổng Giám đốc PECC1 trên màn hình chính của Hội nghị
Trong bài tham luận phát biểu tại ngày đầu tiên của Hội nghị, ông Nguyễn Kim Cương cho biết: Hội nghị thượng đỉnh về biến đổi khí hậu của Liên hiệp quốc 2021 (COP26) đã mang lại niềm hy vọng lớn khi rất nhiều quốc gia có cam kết mạnh mẽ trong việc thúc đẩy giảm phát thải khí nhà kính; qua đó, Việt Nam đã cam kết đầu tư cho nền năng lượng xanh bền vững mà Hydrogen xanh là một trong những trọng tâm được chính phủ Việt Nam ưu tiên. Tại quyết định số 888/QĐ-TTg của Việt Nam ngày 25/7/2022, Thủ tướng chính phủ đã đưa ra những nhiệm vụ như: Chủ động tham gia xu thế toàn cầu phát triển các-bon thấp, huy động nguồn lực, đổi mới công nghệ để chuyển dịch mô hình tăng trưởng. Xây dựng và triển khai các nhiệm vụ, giải pháp toàn diện ứng phó với biến đổi khí hậu và chuyển dịch năng lượng nhằm thực hiện cam kết đạt mức phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050. Đến năm 2030, khuyến khích sử dụng điện, năng lượng xanh trong giao thông vận tải; giảm 32,6% lượng phát thải khí nhà kính trong năng lượng, 43% trong nông nghiệp, 70% trong lâm nghiệp. Qua đó, một số giải pháp được đưa ra như tập trung phát triển các dự án năng lượng tái tạo (điện mặt trời, điện gió ngoài khơi, thủy điện, năng lượng thủy triều, năng lượng sinh khối...); nghiên cứu phát triển và sử dụng nhiên liệu amoniac xanh, Hydro xanh; lưu trữ năng lượng và phát triển công nghệ thu hồi, lưu giữ và sử dụng các-bon.
Bài tham luận của ông Nguyễn Kim Cương về chủ đề "Hiện trạng và tương lai của Hydrogen tại Việt Nam"
Cũng trong bài tham luận, ông Nguyễn Kim Cương đã trình bày các thông tin về hiện trạng sản xuất Hydro ở Việt Nam từ các nhà máy lọc hóa dầu và phân bón, cũng như hiện trạng và dự báo nhu cầu sử dụng Hydro và ammoniac trong các ngành công nghiệp của Việt Nam tới năm 2035. Bên cạnh đó, ông cho biết, thực tế vận hành hệ thống điện Việt Nam cho thấy khi tỷ trọng năng lượng tái tạo cao trong hệ thống đã dẫn đến sự mất cân đối về phân phối nguồn trên phạm vi cả nước. Bất lợi về thời điểm có công suất phát lớn nhất của nguồn năng lượng với đỉnh phụ tải: ví dụ chênh lệch giữa nguồn phát mặt trời mạnh nhất vào trưa chủ nhật (thấp điểm) với cao điểm phụ tải tối thứ 2. Do giới hạn về truyền tải liên miền và yêu cầu dự trữ công suất cho hệ thống nên có nhiều thời điểm hệ thống không hấp thụ được hết công suất khả dụng của năng lượng tái tạo. Do đó, việc lưu trữ và vận chuyển năng lượng là vấn đề Việt Nam cần phải quan tâm mà trọng tâm trong đó là nghiên cứu về Hydro xanh.
Ông Nguyễn Kim Cương cũng cho biết, với mục tiêu góp phần đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia và trong bối cảnh sản lượng khai thác dầu khí trong nước ngày càng suy giảm, dự thảo quy hoạch điện VIII của Việt Nam cho biết nhiều nhà máy nhiệt điện truyền thống sẽ được nghiên cứu chuyển đổi sang chạy Hydro và Ammoniac. Chính vì thế, Việt Nam cần làm rõ các vấn đề về pháp lý, mục tiêu chuyển đổi cụ thể và lộ trình chuyển đổi năng lượng cho Hydro xanh và nhu cầu nâng cấp hệ thống hậu cần vận chuyển cho Hydro và ammoniac.
Việc là diễn giả Việt Nam duy nhất tại Hội nghị thượng đỉnh lần này của Phó Tổng Giám đốc PECC1 cho thấy Công ty CP Tư vấn Xây dựng Điện 1 luôn tiên phong trong việc bắt kịp xu hướng và công nghệ mới của thế giới. Đây cũng là một tín hiệu tích cực cho thấy PECC1 đang quyết tâm thực hiện cam kết về hội nhập, mở rộng thị trường quốc tế, phát triển bền vững, nâng cao giá trị thương hiệu, tiếp tục khẳng định vị thế dẫn đầu trong lĩnh vực tư vấn năng lượng tại Việt Nam cũng như các nước trong khu vực.