Theo Quy hoạch điện VIII, Khu kinh tế Nghi Sơn, tỉnh Thanh Hóa được quy hoạch 1 nhà máy điện LNG với công suất 1.500 MW được ưu tiên đầu tư trong giai đoạn 2021 - 2030 và 1 nhà máy điện LNG với công suất 1.500 MW được xem xét trong kế hoạch thực hiện quy hoạch các vị trí tiềm năng tại khu vực Quỳnh Lập - Nghệ An, hoặc Nghi Sơn - Thanh Hóa.
Theo báo cáo của UBND tỉnh Thanh Hóa: Trong thời gian qua, có nhiều nhà đầu tư quan tâm đến dự án Nhà máy điện khí LNG Nghi Sơn, tại Khu kinh tế Nghi Sơn. Trong đó, có 1 nhà đầu tư (Liên danh Công ty cổ phần Tập đoàn SOVICO và Tập đoàn JERA - Nhật Bản) đã có văn bản đề nghị cho phép thực hiện dự án này. Tuy nhiên, do cần phải thực hiện điều chỉnh cục bộ một số quy hoạch liên quan để đủ điều kiện thực hiện thủ tục đầu tư dự án (dự kiến sẽ hoàn thành việc điều chỉnh quy hoạch trước ngày 31/10/2023), nên UBND tỉnh đã giao Ban Quản lý Khu kinh tế Nghi Sơn, cũng như các khu công nghiệp khẩn trương thực hiện và hướng dẫn Liên danh nhà đầu tư hoàn thiện các hồ sơ, thủ tục theo đúng quy định.
Để sớm triển khai thực hiện các dự án điện khí LNG trên địa bàn tỉnh theo Quy hoạch điện VIII đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, UBND tỉnh đề nghị Bộ Công Thương như sau:
Thứ nhất: Đối với dự án Nhà máy điện LNG Nghi Sơn, công suất 1.500 MW được ưu tiên đầu tư trong giai đoạn 2021 - 2030, tỉnh Thanh Hóa đang khẩn trương thực hiện các thủ tục để lựa chọn được nhà đầu tư trong tháng 11/2023. Trường hợp phải đấu thầu (do có nhiều nhà đầu tư quan tâm) thì phải đến quý 2/2024 mới lựa chọn được nhà đầu tư. Vì vậy, UBND tỉnh đề nghị Bộ Công Thương quan tâm, ủng hộ và có ý kiến với Bộ Xây dựng (đối với điều chỉnh cục bộ quy hoạch chung Khu kinh tế Nghi Sơn), Bộ Tài nguyên và Môi trường (đối với bổ sung chỉ tiêu sử dụng đất công nghiệp, năng lượng cho dự án) và các bộ, ngành trung ương có liên quan tạo điều kiện thuận lợi để tỉnh Thanh Hóa triển khai các bước tiếp theo thực hiện dự án.
Thứ hai: Đối với đề xuất chuyển đổi dự án Nhiệt điện Công Thanh sang dự án điện khí LNG. Hiện nay, dự án này đã cơ bản hoàn thành việc giải phóng mặt bằng, san lấp, đầu tư hạ tầng kỹ thuật, đảm bảo các điều kiện về mặt bằng để đầu tư nhà máy. Công ty Cổ phần Nhiệt điện Công Thanh đã tích cực làm việc với các nhà đầu tư uy tín nước ngoài (như các Tập đoàn BP, GE, Quỹ đầu tư Actis) để nghiên cứu tính khả thi của việc đầu tư dự án Nhiệt điện Công Thanh bằng nhiên liệu khí LNG. Vì vậy, dự án có nhiều điều kiện thuận lợi để triển khai đầu tư và hoàn thành đưa vào vận hành trước năm 2030 (dự kiến trong năm 2028) nếu chuyển sang nhiên liệu khí LNG.
Mặt khác, tại trang 8, Quyết định số 500/QĐ-TTg ngày 15/5/2023 của Thủ tướng Chính phủ về cơ cấu nguồn điện đến năm 2030 có nội dung: “Với các nguồn điện than đang gặp khó khăn trong việc triển khai sẽ cập nhật quá trình xử lý để thay thế bằng các nguồn điện LNG, hoặc năng lượng tái tạo”.
Trên cơ sở đó, để đảm bảo thực hiện đúng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về việc đề xuất lựa chọn các dự án tại các vị trí tiềm năng thay thế cho các dự án chậm tiến độ, hoặc không thể triển khai trong kỳ quy hoạch, đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia, UBND tỉnh Thanh Hóa đề nghị Bộ Công Thương xem xét, báo cáo Thủ tướng Chính phủ thống nhất cho dự án Nhiệt điện Công Thanh, công suất 1.500 MW được chuyển đổi từ nhiên liệu than sang khí LNG nhập khẩu./.