Tổ máy số 4 đang được tổ hợp Turbine và máy phát, các thiết bị siêu trường, siêu trọng đã được vận chuyển về đến công trường sẵn sàng cho lắp đặt. Để chuẩn bị phát điện tổ máy số 3 vào cuối tháng 8 và phát điện tổ máy số 4 vào tháng 12/2011, ngày 15/8, hồ chứa nước Thủy điện Sơn La chính thức tích nước từ cốt ngập 197m (hiện nay) lên cốt ngập 215m (cốt ngập cao nhất).
Khi hồ chứa nước thủy điện Sơn La tích nước đến cao trình 215m, diện tích lưu vực của hồ sẽ phủ rộng 43.760 km2 thuộc địa phận của ba tỉnh Tây Bắc là Sơn La, Điện Biên, Lai Châu. Ba tỉnh này đã di chuyển trên 19.000 hộ dân vùng quy hoạch hồ thủy điện Sơn La đến các khu, điểm tái định cư trước khi hồ tích nước đợt 1 tại cao trình 195m (ngày 15/5/2010). Hồ thủy điện Sơn La có chiều rộng lớn nhất khoảng 1,5km, chiều dài lòng hồ tính từ đập ngăn đặt tại thị trấn Ít Ong, huyện Mường La của tỉnh Sơn La ngược lên phía thượng nguồn đến thị xã Mường Lay của tỉnh Lai Châu vào khoảng 120km, dung tích hồ chứa sẽ đạt 9,26 tỉ m3 nước (dung tích hồ Thủy điện Hòa Bình là 9 tỉ m3 nước).
Trước đó, ngày 10/8, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 43/2011/QĐ-TTg sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy định về bồi thường, hỗ trợ và tái định cư Dự án thủy điện Sơn La ban hành kèm theo Quyết định số 02/2007/QĐ-TTg ngày 9/1/2007 của Thủ tướng Chính phủ. Theo đó, kể từ ngày 6/10/2011, các hộ tái định cư Dự án thủy điện Sơn La sẽ được hỗ trợ lương thực trong 3 năm thay vì 2 năm như hiện nay.
Quyết định sửa đổi nêu rõ, mỗi nhân khẩu hợp pháp của hộ tái định cư đã xác định tại Quyết định số 801/QĐ-TTg ngày 4/6/2010 được hỗ trợ lương thực bằng tiền có giá trị tương đương 20 kg gạo/người/tháng trong 3 năm thay vì thời gian hỗ trợ 2 năm như quyết định cũ. Đối với hộ không phải di chuyển nhưng bị thu đất sản xuất nếu được giao đất mới thì tuỳ theo diện tích đất bị thu hồi, mỗi nhân khẩu hợp pháp của hộ được hỗ trợ lương thực bằng tiền. UBND tỉnh căn cứ vào diện tích đất bị thu hồi để quy định cụ thể về mức và thời gian hỗ trợ. Mức hỗ trợ tối đa không quá 20 kg gạo/người/tháng với thời gian không quá 3 năm (đối với hộ bị thu hồi 100% đất sản xuất). Như vậy, thời gian này cũng tăng thêm 1 năm so với quy định cũ.
Đối với quy định về bồi thường thiệt hại về đất, việc xử lý chênh lệch giá trị đất nơi đi và nơi đến được quy định cụ thể như sau: Trường hợp giá trị đất ở, đất sản xuất được giao cao hơn giá trị đất ở, đất sản xuất bị thu hồi thì hộ tái định cư không phải nộp thêm phần giá trị chênh lệch. Giá trị chênh lệch đất ở, đất sản xuất được tính tại thời điểm chi trả.