PV: Xin ông cho biết rõ hơn về sáng kiến “Bố trí cống dẫn dòng kiệt tại vị trí của tường bê tông trọng lực, thay thế tường này làm công trình ngăn các kênh dẫn dòng với hố móng lòng sông” mà Công ty đã áp dụng cho dự án xây dựng Nhà máy Thủy điện Sơn La?
Ông Nguyễn Quyết Thắng: Trước khi có báo cáo kỹ thuật, báo cáo nghiên cứu khả thi của dự án có các công trình dẫn dòng như, kênh dẫn dòng bờ phải, hai đê quai thượng, hạ lưu bảo vệ hố móng lòng sông và cống dẫn dòng kiệt bố trí ở lòng sông. Sử dụng tường bê tông trọng lực để ngăn cách kênh dẫn dòng với hố móng lòng sông.
Đây là sơ đồ được bố trí theo kiểu truyền thống. Trong thiết kế kỹ thuật, chúng tôi đã đề xuất bố trí cống dẫn dòng kiệt tại vị trí của tường bê tông trọng lực, thay thế tường này làm công trình ngăn các kênh dẫn dòng với hố móng lòng sông. Sáng kiến này đã làm giảm khối lượng bê tông cũng như thời gian xây dựng, góp phần đẩy nhanh đáng kể tiến độ công trình so với kế hoạch được giao.
PV: Trên cơ sở nào Công ty Tư vấn Xây dựng điện I đề xuất sáng kiến thay thế phương pháp đổ bê tông thông thường bằng công nghệ đầm lăn?
Ông Nguyễn Quyết Thắng: Công ty đã nghiên cứu rất kỹ về công nghệ này. Bê tông đầm lăn là loại bê tông sử dụng các nguyên vật liệu tương tự như bê tông thường. Điểm khác biệt ở đây là, bê tông thường được đầm chặt bằng thiết bị rung đưa vào trong lòng khối, còn bê tông đầm lăn được đầm chặt bằng thiết bị rung lèn từ mặt ngoài (lu rung). Công nghệ này có ưu điểm là thích hợp cho các công trình bê tông khối lớn, không cốt thép và hình dáng không phức tạp như lõi đập, mặt đường. Việc sử dụng hỗn hợp bê tông khô, không có độ sụt và đầm lèn bê tông bằng lu rung giúp cho thi công nhanh hơn, rẻ hơn so với dùng công nghệ thi công bê tông truyền thống.
PV: Hiệu quả kinh tế mang lại khi áp dụng công nghệ này trên công trường xây dựng Nhà máy Thủy điện Sơn La thế nào, thưa ông?
Ông Nguyễn Quyết Thắng: Thực tế, khi đưa công nghệ này vào sử dụng cần phải có các thiết bị đồng bộ đi kèm như, hệ thống trạm trộn bê tông đồng bộ với hệ thống làm lạnh, hệ thống băng tải vận chuyển bê tông và dịch vụ kỹ thuật. Những thiết bị đồng bộ này đều nhập từ CHLB Đức. Tốc độ đổ bê tông ở đây tăng lên rất nhanh, đạt 80-150 nghìn m³/ tháng, cao điểm có tháng đạt 180 nghìn m³.
Trong khi đó, nếu áp dụng công nghệ bê tông thường chỉ có thể đạt cao nhất là 50 nghìn m³/tháng. Trong một m3 bê tông thường, lượng xi măng chiếm đến 300 kg. Nhưng với một m3 bê tông đầm lăn, chỉ cần 60 kg xi măng và 160 kg chất phụ gia là tro bay của Nhà máy Nhiệt điện Phả Lại. Vì bản chất của xi măng khi đổ thành khối là tỏa nhiệt, phụ gia tro bay của Nhiệt điện Phả Lại khi trộn vào bê tông sẽ khống chế nhiệt độ ban đầu, giảm ứng suất nhiệt trong khối bê tông, tăng cường độ bê tông lên khoảng 1,5 – 2 lần, kéo dài tuổi thọ công trình và giảm giá thành. Cụ thể, xét về chi phí, 220 kg bao gồm cả tro bay và xi măng đương nhiên rẻ hơn giá thành của 300 kg xi măng thông thường. Với tổng khối lượng bê tông đầm lăn thi công là 2.700.000 m³, đã tiết kiệm được rất nhiều thời gian và chi phí xây dựng.
PV: Thông thường các trạm phân phối thường đặt ngoài trời, vì sao với công trình Thủy điện Sơn La, các trạm này lại đề xuất bố trí trong nhà máy?
Ông Nguyễn Quyết Thắng: Thực ra quyết định này xuất phát từ lý do liên quan đến mặt bằng. Theo thiết kế, trạm phân phối 500 kV sẽ đặt tại khu vực là bãi thi công chính. Nhưng nếu đặt trạm phân phối tại đó thì máy móc, thiết bị, nguyên vật liệu sẽ không còn địa điểm thuận lợi vì trạm phân phối 500 kV chiếm một diện tích rất lớn. Trong khi đó, diện tích chưa sử dụng trong nhà máy còn nhiều.
Vì vậy, Công ty Tư vấn Xây dựng điện 1 đề xuất phương án bố trí trạm phân phối điện 500 kV trong nhà thay cho phương án ngoài trời và được thông qua đã giúp đảm bảo tiến độ thi công trên công trường một cách thông suốt, vừa tiết kiệm diện tích, đảm bảo được tính an toàn, tin cậy.
PV: Với đề xuất thay máy biến áp 1 pha bằng 3 pha, Công ty có gặp trở ngại gì không thưa ông?
Ông Nguyễn Quyết Thắng: Khi đề xuất của Công ty được chấp thuận, dù đã tính toán rất kỹ trước về kỹ thuật cũng như phương thức vận chuyển, nhưng chúng tôi cũng rất lo lắng. Bởi nếu như roto, stator có thể vận chuyển từng phần thì vận chuyển máy biến áp nguyên khối nặng đến 310 tấn đòi hỏi yêu cầu cao về kỹ thuật. Theo như tính toán ban đầu, sau khi tiếp nhận tại cảng Hải Phòng, máy sẽ theo đường sông từ cảng Thịnh Minh (Hòa Bình) lên thượng lưu của đập Thủy điện Hòa Bình, đưa thẳng công trường Thủy điện Sơn La bằng đường thủy. Tuy nhiên, dù lòng sông đã được nạo vét nhưng việc vận chuyển máy biến áp siêu trọng này phải dừng lại tại cảng Tà Hộc (Mai Sơn, Sơn La).
Chặng đường còn lại dài khoảng 70 km phải vận chuyển bằng đường bộ với địa hình hiểm trở, nhiều đoạn đường cua trơn trượt nguy hiểm. Nhưng cuối cùng với sự nỗ lực của các bên cũng như quyết tâm lớn của đơn vị vận tải, những máy biến áp này đã về đến công trường an toàn, thành công.
PV: Để đạt được tiến độ xây dựng Nhà máy vượt gần 3 năm so với Nghị quyết của Quốc hội, trong quá trình đảm nhận vai trò là tư vấn chính của Dự án, Công ty Tư vấn Xây dựng điện I có gặp những trở ngại và khó khăn gì không, thưa ông?
Ông Nguyễn Quyết Thắng: Phải nói, khó khăn gặp phải rất nhiều vì khối lượng, phạm vi công trường xây dựng rất rộng lớn, nhiều loại hình xây dựng phụ thuộc sông nước nên việc giám sát, hiệu chỉnh thiết kế để xử lý kịp thời các tình huống cần phải rất chủ động. Đơn cử, việc cung cấp bản vẽ công nghệ của nhà thầu thường không đảm bảo tiến độ và không đầy đủ.
Vì vậy, chúng tôi phải phối hợp thường xuyên, có những hạng mục tư vấn phải thiết kế lại hoàn toàn và sau đó nhà thầu nước ngoài tại hạng mục đấy đã phải xin lỗi và bồi thường cho chúng ta. Tuy nhiên, những trường hợp như thế là khá hiếm. Nhìn tổng thể, phối hợp giữa tư vấn với các đơn vị liên quan rất nhịp nhàng, ăn ý. Đó cũng là một trong những yếu tố quan trọng góp phần đưa Nhà máy Thủy điện Sơn La vận hành sớm gần 3 năm, làm lợi cho Nhà nước hàng chục nghìn tỷ đồng.
PV: Xin cảm ơn ông!
Theo TCĐL chuyên đề QLHN