Nghịch lý thừa điện mặt trời: Làm gì để đảm bảo quyền lợi của doanh nghiệp?

Ông Phạm Nguyên Hùng - Phó Cục trưởng Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo (nguyên Tổng Giám đốc PECC1) tham gia buổi tọa đàm hướng đến mục tiêu tìm ra giải pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, thúc đẩy điện mặt trời phát triển bền vững.

Chia sẻ với VTC News tại Tòa đàm “Nghịch lý thừa điện mặt trời: Giải pháp nào đảm bảo quyền lợi chính đáng của doanh nghiệp?”, ông Phạm Nguyên Hùng - Phó Cục trưởng Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo (Bộ Công Thương) – cho biết phát triển năng lượng tái tạo là xu thế tất yếu để giảm sự phụ thuộc vào nguồn năng lượng hóa thạch, đảm bảo an ninh năng lượng, bảo vệ môi trường... Tuy nhiên, do sự phát triển quá nóng của điện mặt trời thời gian qua đã dẫn đến tình trạng quá tải, phải giảm phát công suất.

- Việc phát triển năng lượng tái tạo tới đây sẽ được thực hiện thế nào, thưa ông?

Hiện nay tiềm năng thủy điện lớn đã cơ bản khai thác hết, nhiệt điện than khó thu xếp vốn quốc tế do cam kết chống biến đổi khí hậu toàn cầu, điện khí giá cao và phụ thuộc nguồn nhiên liệu thế giới… Trong khi sự phát triển của công nghệ và thị trường làm giá điện gió, điện mặt trời ngày càng cạnh tranh hơn so với các nguồn điện truyền thống.

Định hướng tiếp tục gia tăng tỷ trọng điện năng lượng tái tạo trong tổng nguồn cung điện Việt Nam nêu tại Nghị quyết 55 của Bộ Chính trị rất kịp thời nhằm khai thác tiềm năng lợi thế mà thiên nhiên mang lại cho Việt Nam, đưa ngành điện phát triển bền vững hơn, tham gia thực hiện các cam kết bảo vệ môi trường toàn cầu.

Tuy nhiên, để có thể phát triển năng lượng tái tạo mạnh mẽ, bền vững thì cần tập trung vào các nội dung chính sách, hạ tầng truyền tải và điều độ vận hành hệ thống điện.

Cụ thể, tiếp tục nghiên cứu ban hành các chính sách thu hút đầu tư phát triển năng lượng tái tạo phù hợp với từng thời kỳ phát triển kinh tế xã hội, phù hợp với sự phát triển của thị trường điện, phù hợp với từng loại hình công nghệ năng lượng tái tạo như cơ chế mua bán điện trực tiếp (DPPA), cơ chế chứng chỉ năng lượng tái tạo (REC). Bên cạnh đó, cần thúc đẩy phát triển các hệ thống năng lượng tái tạo phân tán phục vụ nhu cầu tiêu thụ tại chỗ như các hộ tiêu thụ như các khu công nghiệp, hộ tiêu thụ thương mại, dịch vụ, nhà dân... lắp đặt điện mặt trời mái nhà để cung cấp cho chính nhu cầu của mình cùng kết hợp với điện mua từ lưới điện.

Đồng thời tăng cường đầu tư nâng cấp, mở rộng hạ tầng truyền tải kết hợp với các hệ thống lưu trữ (như thủy điện tích năng, hệ thống ắc quy BESS...) và tăng cường khả năng điều độ vận hành hệ thống điện, tăng cường kết nối lưới điện khu vực. Điều này sẽ giúp nâng cao khả năng hấp thụ nguồn điện năng lượng tái tạo, đảm bảo vận hành an toàn, hiệu quả hệ thống điện điện.

- Nhưng vì sao lại có tình trạng các dự án phải cắt giảm công suất trong thời gian qua?

Các nguồn điện năng lượng tái tạo như điện mặt trời, điện gió có đặc điểm chung đều là các nguồn năng lượng không liên tục, khả năng điều chỉnh rất hạn chế, khả năng lưu trữ không lớn do chi phí cao.

Việc đầu tư điện mặt trời lại diễn ra rất nhanh trong khi lưới điện truyền tải, phân phối chưa kịp bổ sung.

Thứ nữa, đa số các dự án điện mặt trời tập trung chủ yếu tại một số khu vực có tiềm năng lớn như miền Nam, Nam Trung Bộ. Do đó lưới điện tại các khu vực này bị quá tải, dẫn đến phải cắt giảm nguồn điện trong một số thời điểm khi điện mặt trời phát cao.

Ngoài ra, tại một số thời điểm như ngày nghỉ cuối tuần, Tết, ảnh hưởng dịch bệnh COVID-19, khiến phụ tải giảm thấp hơn kế hoạch, dẫn đến tình trạng quá tải một số nguồn điện.

Do đó, các nhà máy điện năng lượng tái tạo (gió, mặt trời) đã phải điều chỉnh giảm công suất phát để đảm bảo vận hành an toàn lưới điện và an ninh hệ thống điện, nhất là trong giai đoạn 3 tháng cuối năm 2020.

- Hạ tầng truyền tải điện yếu kém, chưa sẵn sàng trong khi sự phát triển nhanh của năng lượng tái tạo là một điểm nghẽn. Qua đó cho thấy sự thiếu chuẩn bị về hạ tầng truyền tải cũng như công tác quy hoạch của chúng ta khi phát triển điện mặt trời, trách nhiệm này thuộc về ai, thưa ông?

Việc chậm tiến độ của các nguồn nhiệt điện gây nguy cơ thiếu điện trong các năm 2021-2024, phải huy động nguồn điện chạy dầu đắt đỏ, ô nhiễm. Để bù đắp sự thiếu hụt này, phải bổ sung các nguồn điện năng lượng tái tạo, nhất là điện mặt trời.

Trong các năm 2019-2020, sự phát triển quá nhanh của các dự án điện mặt trời (đặc biệt là điện mặt trời mái nhà) tại khu vực miền Trung và miền Nam đã gây khó khăn cho việc giải phóng công suất nguồn điện, kết hợp với việc phụ tải điện giảm do đại dịch COVID-19 gây khó khăn cho việc huy động hết sản lượng điện năng lượng tái tạo, khó khăn cho vận hành hệ thống, gây thiếu nguồn công suất dự phòng cho hệ thống trong ngắn hạn.

Việc đưa vào vận hành nguồn công suất các dự án điện mặt trời, điện gió trong giai đoạn qua là cần thiết, kịp thời bù đắp lượng công suất thiếu hụt do các nguồn nhiệt điện than, điện khí chậm tiến độ, góp phần giảm lượng điện phát dầu (có giá thành cao) trong những tháng phụ tải cao điểm mùa khô.

Tuy nhiên, thực tế vẫn phát sinh một số điểm hạn chế như phải đầu tư thêm lưới điện để đấu nối và truyền tải, vận hành lưới điện khó khăn và phức tạp hơn; tăng chi phí chung của hệ thống điện.

Vào đầu năm 2021, khi tỷ trọng năng lượng tái tạo trong hệ thống tăng cao, có ảnh hưởng đến vận hành hệ thống điện, Cục Điều tiết Điện lực đã tham mưu cho Bộ Công Thương có chỉ đạo kịp thời tới Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), Trung tâm Điều độ Hệ thống điện quốc gia (A0) áp dụng nhiều giải pháp để đảm bảo hệ thống điện vận hành an toàn, tin cậy.

- Với những doanh nghiệp đã bỏ rất nhiều nguồn lực để đầu tư nhà máy điện mặt trời nhưng không thể phát hết công suất như dự kiến, gây thiệt hại rất lớn. Bộ Công Thương có phương án gì để tháo gỡ cho doanh nghiệp?

Bộ Công Thương đã ban hành quyết định số 478/2021 hướng dẫn về việc dịch chuyển giờ phát điện cao điểm các nhà máy thủy điện nhỏ để tránh thời gian phát điện của điện mặt trời.

Thực hiện quyết định này, EVN và các tổng công ty điện lực đã thực hiện dịch chuyển giờ cao điểm của tất cả các nhà máy thủy điện nhỏ khu vực miền Trung, miền Nam, qua đó nâng cao khả năng hấp thụ thêm khoảng 1000 MW công suất điện mặt trời trong khoảng thời gian từ 9h30-11h30 hàng ngày.

Đối với thủy điện nhỏ khu vực miền Bắc, tạm thời chưa thực hiện điều chỉnh khung giờ cao điểm do không ảnh hưởng đến quá tải và giải tỏa công suất điện mặt trời miền Trung và miền Nam. Tập đoàn Điện lực Việt Nam sẽ tính toán và kiến nghị phù hợp với tình hình hệ thống trong giai đoạn nắng nóng sắp tới.

Trong thời gian tới cần triển khai các giải pháp đồng bộ để nâng cao khả năng vận hành linh hoạt của hệ thống điện, bao gồm tiếp tục giám sát, chỉ đạo EVN, A0 và các đơn vị liên quan thực hiện giảm phát theo quy định tại các văn bản pháp luật; tiếp tục điều chỉnh giờ phát cao điểm cho các thủy điện nhỏ; nâng cao khả năng vận hành linh hoạt của các nhiệt điện than, tuabin khí.

Về lâu dài sẽ áp dụng các giải pháp lưới điện thông minh hỗ trợ giám sát vận hành lưới điện (AGC, nhà máy điện ảo,…), phát triển đồng bộ nguồn – lưới điện, tăng cường hạ tầng SCADA/EMS để giám sát các nguồn điện (chú trọng các nguồn điện nhỏ), nghiên cứu hệ thống lưu trữ năng lượng (BESS)…

- Xin cám ơn ông!

Tính tới hết năm 2020, tổng công suất lắp đặt nguồn điện toàn hệ thống đạt 69.300MW, tăng gần 14.000MW so với năm 2019, trong đó tổng công suất các nguồn điện năng lượng tái tạo (chưa tính thủy điện) là 17.430MW (tăng 11.780MW so với năm 2019) và chiếm tỷ trọng khoảng 25,3%.

Trong đó điện mặt trời quy mô lớn đưa vào vận hành 148 dự án với tổng công suất 8.550 MW; điện mặt trời mái nhà, cả nước có 104.526 hệ thống ĐMTMN đi vào vận hành, tổng công suất đạt khoảng 7.711 MW; điện gió có 11 dự án với tổng công suất 538 MW điện gió đưa vào vận hành

Theo https://vtc.vn/

  • 16/06/2021 07:59

Lĩnh vực hoạt động