Không hồi tố giá FIT, sắp có khung giá cho các dự án NLTT chuyển tiếp

Trao đổi tại Toạ đàm "Thúc đẩy thị trường năng lượng tái tạo", ông Phạm Nguyên Hùng, Phó Cục trưởng Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo đã có nhiều chia sẻ, trao đổi thẳng thắn với các chuyên gia và nhà đầu tư.

Ông Phạm Nguyên Hùng, Phó Cục trưởng Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo, Bộ Công Thương. Ảnh: Trọng Hiếu

Sáng 18/11 tại Hà Nội, Tạp chí Nhà đầu tư/ Tạp chí điện tử Nhadautu.vn tổ chức Toạ đàm "Thúc đẩy thị trường năng lượng tái tạo".

Phát biểu tại Toạ đàm, ông Phạm Nguyên Hùng, Phó Cục trưởng Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo, Bộ Công Thương cho biết cuối tháng 11, Bộ Công Thương sẽ ban hành khung giá điện cho các dự án điện năng lượng tái tạo chuyển tiếp.

Trước đó, ngày 3/10/2022, Bộ Công Thương đã ban hành Thông tư 15 về nguyên tắc xây dựng khung giá cho các dự án điện mặt trời, điện gió chuyển tiếp. Dự kiến từ ngày 25-30 tháng 11/2022, Bộ Công Thương sẽ thẩm định xong khung giá cho các dự án điện mặt trời, điện gió chuyển tiếp. Trên cơ sở khung giá, EVN đàm phán với các chủ đầu tư. Hiện có khoảng 4.000 MW đối tượng chuyển tiếp điện gió và điện mặt trời.

Ông Hùng lưu ý, Thông tư 15 chỉ áp dụng cho các dự án điện NLTT chuyển tiếp, còn đối với các dự án NLTT mới, Bộ Công thương đã đề xuất và đề nghị Thủ tướng Chính phủ chấp thuận cơ chế đàm phán giá điện và hợp đồng mua bán điện theo từng thời điểm.

Về vấn đề vì sao từ nay đến năm 2030 không phát triển thêm điện mặt trời, ông Hùng cho hay theo dự thảo Quy hoạch điện VIII bản mới nhất sẽ bổ sung 726 MW điện mặt trời tập trung, trong đó hơn 400 MW đã xong rồi, 300 MW đang làm dở; còn hơn 1.600 MW đã có quy hoạch nhưng chưa đầu tư có thể bị loại bỏ tại quy hoạch mới. Quy hoạch VII điều chỉnh cho thấy, các dự án điện mặt trời tập trung (có thể bị loại bỏ trong Quy hoạch điện VIII) có vị trí phụ tải thấp nên để phát triển tiếp phải đầu tư lớn lưới điện, trong khi ổn định hệ thống đã đạt giới hạn. Còn sau 2030 điều kiện truyền tải, lưới điện đầu tư đã tốt hơn nên có điều kiện để phát triển thêm điện mặt trời mà không cần đầu tư quá lớn.

Về cơ chế giá FIT, Bộ Công Thương từng có báo cáo, kiến nghị bãi bỏ 2 Quyết định giá FIT 13, 39 khiến nhiều nhà đầu tư lo ngại, ảnh hưởng môi trường đầu tư. Tuy nhiên, cho đến thời điểm hiện tại, Bộ Công Thương khẳng định dư án/ phần dự án đang tuân thủ quy định pháp luật, đáp ứng điều kiện tại Quyết định 13, 39 vẫn hưởng giá FIT theo hợp đồng. Nhưng cần lưu ý là các dự án phải tuân thủ quy định pháp luật và đáp ứng điều kiện hưởng giá FIT. Các dự án hoà lưới sau thời gian quy định sẽ không hưởng cơ chế giá FIT. Việc bãi bỏ bởi nay đã hết hạn áp dụng các quyết định ưu đãi này.

Trước băn khoăn của nhà đầu tư về việc các dự án bị cắt giảm công suất, lãnh đạo Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo cho biết có hiện tượng này, nhưng chỉ mang tính thời điểm, cần lưu ý nhà đầu tư bán bằng sản lượng chứ không bán bằng công suất, nên tính theo sản lượng tháng thì thường có thể bán được 90-95% (sản lượng bình quân trong tháng).

  • 18/11/2022 03:24

Lĩnh vực hoạt động