Ông Nguyễn Hữu Chỉnh – Phó Tổng Giám đốc PECC1 phát biểu tại hội thảo
Tham dự Hội thảo, về phía PECC1 có các Phó Tổng Giám đốc Công ty là ông Nguyễn Hữu Chỉnh và ông Đặng Hoàng Cầm; đại diện các Ban quản lý dự án điện 1 và 2 (AĐ1, AĐ2) cùng nhiều chuyên gia, kỹ sư từ các phòng ban liên quan của PECC1, AĐ1, AĐ2. Đặc biệt hội thảo có sự tham gia của Tiến sỹ Martin Wieland - Chủ tịch Ủy ban Địa chấn về Thiết kế đập, thuộc Hội Đập lớn thế giới (International Commission on Large Dams – ICOLD). Ông là chuyên gia quốc tế hàng đầu về phân tích và tính toán tác động của động đất đối với các loại đập.
Phát biểu khai mạc hội thảo, ông Nguyễn Hữu Chỉnh cho biết: Cùng với sự phát triển của đất nước, các công trình thủy lợi - thủy điện như: đập, hồ chứa, nhà máy thủy điện đã góp phần không nhỏ vào sự tăng trưởng kinh tế - xã hội tại Việt Nam. Ngày nay, với sự phát triển về trình độ khoa học kỹ thuật, an toàn đập khi có động đất là một vấn đề được nhiều người quan tâm và được tranh luận nhiều trong các cuộc họp, các hội nghị, hội thảo khoa học. Đặc biệt trong lĩnh vực thiết kế, để đưa ra một quyết định đúng đắn về mức độ an toàn cho công trình không thể bỏ qua tác động của hiện tượng động đất. Việc cân nhắc cách thức tính toán, phương pháp áp dụng phù hợp và các tiêu chí thiết kế mới nhất luôn được đặt lên hàng đầu. Chính vì vậy, việc tiếp cận, trao đổi thông tin, chia sẻ, học hỏi kinh nghiệm từ các chuyên gia chuyên ngành trên thế giới luôn nhận được sự quan tâm và ưu tiên của các chuyên gia, kỹ sư PECC1.
Thuyết trình tại hội thảo, Tiến sĩ Martin Wieland đã nêu bật một số quan điểm, góc nhìn mới về thiết kế khi xem xét ảnh hưởng của động đất đến an toàn đập. Với dẫn chứng từ các công trình thực tế đã trải qua, Tiến sĩ Martin Wieland nêu cách thức tiếp cận trong việc thiết kế kết cấu đập thích hợp, tùy thuộc vào điều kiện địa chất, phông động đất của vùng tuyến công trình. Trong bài trình bày của mình, ông đã đưa ra ví dụ về đập đá đổ lõi đất Rudbar Lorestan tại Iran. Iran là một đất nước nằm trong vùng có nguy cơ địa chấn cao, do vậy trong điều kiện này, đập đắp được thiết kế sẽ thiên an toàn. Thiết kế các lớp lõi đập đắp cũng được tiến sĩ Wieland nhấn mạnh trong bài thuyết trình. Đó là việc lưu ý chiều dày tầng lọc bằng cát hạt mịn nằm bao quanh lớp lõi sét bên trong thân dập, lớp chuyển tiếp bằng cốt liệu thô, rồi đến lớp đá đổ ở cả hai mặt thượng lưu và hạ lưu đập. Đây là những vật liệu có khả năng chịu được cao nhất các tác động do sự dịch chuyển của đứt gẫy gây ra.
Tiến sĩ Martin Wieland - Chủ tịch Ủy ban Địa chấn về Thiết kế đập, thuộc Hội Đập lớn thế giới thuyết trình tại hội thảo
Trong bài thuyết trình tiếp theo về “Phân tích động đất và các khía cạnh thiết kế đập lớn” Tiến sĩ Martin Wieland cho biết nguy hiểm do động đất không chỉ là rung lắc nền (là nguy cơ chính được nêu trong trong tất cả các hướng dẫn về động đất cho các đập), mà còn có một loạt các mối nguy hiểm khác như: dịch chuyển đứt gãy ở nền móng đập, dịch chuyển đứt gãy ở hồ chứa, dịch chuyển khối lớn (đá rơi) và các nguy cơ khác tại tuyến cụ thể và tại các công trình cụ thể. Tiến sĩ cho rằng, công trình hạ tầng phải bền vững để có thể đáp ứng các yêu cầu trong thời gian rất dài. Tuy vậy, không thể xem các công trình chứa nước là bền vững nếu an toàn của chúng không được bảo đảm chiếu theo các tiêu chuẩn hiện đại. Trong phần trình bày của mình, Tiến sĩ cũng đề cập đến các loại phân tích động đất, cơ sở phân tích động đất cho đập cũng như các tiêu chí thiết kế động đất để đánh giá an toàn cho những đập lớn.
Tiến sĩ Martin Wieland cho biết các tiêu chí thiết kế động đất và đặc tính động đất thay đổi theo thời gian. Do đó, các tải trọng tương ứng, tổ hợp tải trọng, tiêu chí thiết kế và an toàn phải được xem xét cập nhật, kiểm tra định kỳ. Đối với các đập đã được thiết kế từ lâu theo phương pháp đã cũ và lỗi thời thì nên được kiểm tra, đánh giá an toàn thường kỳ và áp các tiêu chuẩn mới nhất về thiết kế động đất để đánh giá lại an toàn đập. Dựa trên đánh giá này, có thể đưa ra quyết định nếu phải thực hiện thêm các hành động cần thiết vì an toàn cho con đập hiện hữu. Quy trình này cũng phù hợp để đối phó với các tác động của biến đổi khí hậu đối với an toàn đập.
Chia sẻ tại hội thảo, Tiến sĩ cho rằng đầu tư vào an toàn của các đập hiện có không chỉ đơn thuần là đầu tư thương mại mà còn là nghĩa vụ đối với xã hội.
Buổi hội thảo đã kết thúc tốt đẹp với nhiều trao đổi và thảo luận giữa các kỹ sư thiết kế trong nước và Tiến sĩ Martin Wieland về những vấn đề đã nêu. Phía PECC1 đánh giá cao các chia sẻ kinh nghiệm quý báu của Tiến sĩ và mong muốn sẽ có nhiều hợp tác hơn nữa trong tương lai.