Để đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia, đến năm 2030, Việt Nam cần khoảng 55.300 MW công suất nhiệt điện than, chiếm khoảng 53,2% tổng sản lượng điện toàn hệ thống. Theo Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng, trong bối cảnh hiện nay, Việt Nam vẫn cần phát triển nhiệt điện than với yêu cầu giảm phát thải, đảm bảo môi trường.
Thực tế, “bài toán” vận hành hiệu quả nhà máy nhiệt điện than gắn liền với đảm bảo môi trường là vấn đề được dư luận xã hội rất quan tâm trong suốt thời gian qua. Ông Nguyễn Tài Anh - Phó Tổng giám đốc EVN khẳng định, với công nghệ hiện có, chúng ta có đủ khả năng giảm tối đa tác động của nhiệt điện tới môi trường. Trong quá trình phát triển, EVN hết sức quan tâm đến vấn đề bảo vệ môi trường, thể hiện qua việc đầu tư, lựa chọn công nghệ “xanh” và vận hành hiệu quả các nhà máy nhiệt điện (NMNĐ). Nhiệt điện Quảng Trạch 1 là dự án có công nghệ bảo vệ môi trường hiện đại hàng đầu Việt Nam.
Phối cảnh Trung tâm Nhiệt điện Quảng Trạch
|
Cụ thể, NMNĐ Quảng Trạch 1 được EVN đầu tư công nghệ lò hơi siêu tới hạn. Theo PGS.TS Trương Duy Nghĩa – Chủ tịch Hội KHKT Nhiệt Việt Nam: Công nghệ siêu tới hạn đòi hỏi hệ thống thiết bị trong Nhà máy cũng phải hiện đại tương xứng ở mức hàng đầu thế giới. NMNĐ Quảng Trạch 1 được trang bị các thiết bị bảo vệ môi trường tiên tiến như hệ thống lọc bụi tĩnh điện, có hiệu quả tới 99,75%, đảm bảo không gây tác động xấu tới môi trường sống xung quanh Nhà máy.
Đối với lượng tro, xỉ của Nhà máy, do sử dụng than bitum có đặc tính cháy kiệt nên hàm lượng carbon còn sót lại trong tro, xỉ sẽ rất thấp. Mặt khác, tro xỉ cũng là nguyên liệu chính để sản xuất VLXD.
Về phát thải khí, Nhà máy sẽ xử lý SOx bằng nước biển theo công nghệ Sea-FGD. Phương pháp này tạo ra các muối sunfat – thành phần sẵn có trong nước biển, do đó, không gây tác động đến môi trường thủy sinh. PST.TS Trương Duy Nghĩa phân tích, lượng SOx phát thải ra môi trường đảm bảo hàm lượng dưới 229,8 mg/Nm3, thấp hơn yêu cầu tại tiêu chuẩn QCVN 22:2009/BTNMT. Đồng thời, công nghệ Sea-FGD không tạo thêm chất thải rắn là thạch cao như một số phương pháp khác. Nhờ đó, Nhà máy giảm tối đa lượng chất thải ra môi trường. Với khí NOx, Nhà máy sẽ dùng Amoniac để hấp thụ, tạo sản phẩm là Nitrat amôn, được sử dụng hiệu quả trong sản xuất phân bón hóa học.
Để người dân dễ dàng tiếp cận và giám sát thông tin về môi trường, các thông số phát thải sẽ được hiển thị online ngay tại bảng điện tử đặt trước khuôn viên Nhà máy, được truyền dữ liệu trực tuyến về sở Tài nguyên - Môi trường tỉnh để các cơ quan chức năng kiểm soát 24/7.
Nhiều chuyên gia nhiệt điện trong và ngoài nước đã đánh giá, công nghệ bảo vệ môi trường chính là thế mạnh của nhà máy này. Theo ông Yoshikazu Ikai – Phó Tổng thư ký Trung tâm Năng lượng Than Nhật Bản (JCOAL): “Nhiều nhà máy nhiệt điện tại Nhật Bản và các nước phát triển trên thế giới cũng sử dụng các công nghệ tiên tiến như NMNĐ Quảng Trạch 1 để bảo vệ môi trường”.
Nhà máy Nhiệt điện Quảng Trạch 1:
- Là một trong hai nhà máy thuộc Trung tâm Nhiệt điện Quảng Trạch, xã Quảng Đông, huyện Quảng Trạch, tỉnh Quảng Bình
- Công suất: 2 x 600 MW
- Tổng mức đầu tư sau thuế: 42.022 tỷ đồng
- Sản lượng điện dự kiến: Khoảng 7,8 tỷ kWh/năm
- Dự kiến khởi công: Năm 2019
|
Theo TCĐL Chuyên đề Thế giới điện