Công trình thế kỷ và chia sẻ người trong cuộc

Đem những thắc mắc về quá trình xây dựng công trình vĩ đại mang tầm thế kỷ - công trình đường dây tải điện siêu cao áp 500 kV Bắc - Nam đến gặp Cựu Bộ Trưởng Bộ Năng Lượng Vũ Ngọc Hải và ông Trương Bảo Ngọc, Nguyên Giám đốc Công ty Khảo sát Thiết kế điện 1(Nay là Công ty CP Tư vấn Xây dựng điện 1), tôi nhận được sự chia sẻ của những con người vốn được coi là những yếu nhân, có vị trí quan trọng, quyết định sự thành bại của công trình trong những năm đầu thập niên 90 thế kỷ XX.

Trầy trật trên “đấu trường” nghị sự

Năm 1994, Nhà máy Thủy điện Hòa Bình hoàn thành đưa vào vận hành với sản lượng điện hơn 8,16 tỷ kWh/năm đã dẫn đến tình trạng miền Bắc dư thừa điện năng, trong khi miền Nam thiếu điện trầm trọng. Dự đoán trước tình hình, ngay từ năm 1992, Thủ tướng Chính phủ Võ Văn Kiệt, sau khi bàn bạc và tham khảo ý kiến các cơ quan thuộc Bộ Năng lượng đã quyết định xây dựng đường dây tải điện siêu cao áp Bắc – Nam, đưa điện từ Hòa Bình vào các tỉnh phía nam đang thiếu điện nghiêm trọng. Thời gian hoàn thành công trình là 2 năm.

Trước một công trình có tầm cỡ và vốn đầu tư lớn, công trường xây dựng trải dọc chiều dài đất nước, băng qua dãy Trường Sơn trùng điệp, vượt bảy con sông rộng, quyết sách táo bạo này gây xôn xao dư luận cả trong và ngoài nước suốt một thời gian dài, là một thách thức "vô tiền khoáng hậu" tại thời điểm nền kinh tế nước nhà còn nhiều khó khăn. Thậm chí “đích đến” của công trình khi ấy còn nằm trong đám sương mờ, đầy ắp nỗi nghi ngờ, lo âu về khoa học - công nghệ, về nguồn tài chính, về năng lực quản lý, về hiệu quả kinh tế, môi trường...

Đã 20 năm trôi qua kể từ ngày chính thức vận hành, đường dây 500 kV Bắc Nam mạch 1 vẫn sừng sững hiên ngang, vận hành an toàn liên tục như thách thức với thời gian. Ảnh: Ngọc Cảnh

Tiếp chuyện chúng tôi, ông Vũ Ngọc Hải  - Nguyên UVTƯ Đảng, Bộ trưởng Bộ Năng lượng bồi hồi cùng ký ức những ngày đấu tranh trên diễn đàn Hội nghị bàn về xây dựng đường dây “Thời điểm đó, không dễ dàng để nhận được sự đồng thuận khi nhiều người cho rằng đây là một việc phiêu lưu mạo hiểm, làm lãng phí nguồn tài nguyên quốc gia. Thậm chí một giáo sư Việt Kiều ở Pháp còn viết bài gửi cho tất cả các Ủy viên Bộ Chính trị, Quốc hội nêu 3 vấn đề: Thời gian làm trong hai năm là quá ngắn, đường dây làm theo kiểu ¼  bước sóng nên sẽ không đưa điện được vào miền Nam; chi phí sẽ vượt xa dự toán ban đầu. Tôi khẳng định trước Thủ tướng Võ Văn Kiệt là xử lý được cả 3 vấn đề trên: “Anh yên tâm, về mặt kỹ thuật đường dây 500 kV dứt khoát không có vấn đề gì, khó khăn nhất là vấn đề an ninh”. Thế là chỉ không đầy 1 tuần, Thủ tướng có quyết định Việt Nam tự xây dựng đường dây 500 kV đầu tiên. Trong quyết sách táo bạo ấy là sự quả cảm dám mang cả sinh mệnh chính trị của vị Thủ tướng đáng kính, đảm bảo sự thành công của công trình. "Đời tôi làm cán bộ kỹ thuật, việc khó khăn nhất là trình bày cho cấp trên hiểu về công trình của mình. Anh Sáu Dân(*) không phải là chuyên gia về truyền tải điện nhưng anh biết lắng nghe và tin tưởng. Với tôi, điều đó là quá đủ”. Bây giờ, mỗi khi nhớ lại những giây phút quyết định ấy, ông Hải vẫn khâm phục và cảm ơn người thủ trưởng trực tiếp của mình. Ông thương sự cô độc phải chống chọi với hàng trăm ý kiến cản phá, cũng cảm ơn ý chí vững vàng của cố Thủ tướng: “Ai đồng tình thì đứng vào hàng ngũ để cùng đi, ai không đồng tình thì đứng ra ngoài không được gây cản trở”.

Từ cung đường kỳ diệu …

Vừa thiết kế vừa thi công, vừa làm vừa tháo gỡ, chỉ trên công trình đường dây 500 kV mạch 1 mới có được những trải nghiệm như vậy. Khối lượng khảo sát của công trình rất lớn, với khoảng 2.000 km khảo sát đo vẽ địa hình; 5.200 m khoan thăm dò ở các vị trí có nguy cơ sạt lở; thí nghiệm khoảng 15.000 mẫu đất đá... Hơn nữa, muốn vẽ được bản đồ đường Trường Sơn, phải băng rừng lội suối vì đường dây đi qua rất nhiều khu rừng già, hẻm núi, bùn đất lầy lội.

Khi ấy, đội ngũ CBCN khảo sát phải gùi đồ nghề, lương thực thực phẩm băng đèo, xuyên rừng đo đạc. Công việc cứ theo đúng lập trình: Ngày tiến hành khảo sát, ghi lại các số liệu cần thiết về địa chất, địa chất thủy văn, cấu tạo địa chất từng khu vực… đêm về thiết kế tại lán, trại dưới ánh sáng của máy phát điện. Muỗi, vắt, côn trùng, bệnh tật đeo đuổi triền miên, môi trường lao động thiếu thốn, khắc nghiệt khiến không ít công nhân đã đổ bệnh, thậm chí gục ngã dọc tuyến đường dây. Công cuộc điện khí hóa đất nước quả nhiên cũng khốc liệt không kém công cuộc giải phóng dân tộc, với không ít những nguy hiểm ngày đêm rình rập.

Một buổi chiều tháng 03/1992, trên lịch tuần của Bộ Năng lượng đánh dấu đậm nét về cuộc họp duyệt sơ đồ điện đường dây 500 kV Bắc – Nam. Ông Trương Bảo Ngọc – Nguyên Phó tổng giám đốc EVN, Nguyên Giám đốc Công ty Khảo sát Thiết kế điện 1 (Nay là Công ty CP Tư vấn Xây dựng điện 1), người đại diện đội ngũ thiết kế lên thuyết trình nhớ lại: “Đây là một cuộc họp về kỹ thuật nên tôi nghĩ rằng mình sẽ thuyết trình trước một hội đồng vài người. Nhưng khi bước vào Hội trường A trụ sở Bộ Năng lượng, tôi gần như lọt thỏm trong biển người nghiêm trang. Cuộc họp có sự tham dự của cả Vụ Tổ chức – Cán bộ, Vụ Lao động – Tiền lương, Công đoàn ngành Năng lượng, các thứ trưởng, vụ trưởng… Cả một hệ thống chính trị quốc gia đang hướng về công trình. Trong khoảnh khắc, tôi ngỡ mình như được sống trong Hội nghị Diên Hồng lịch sử thời Trần”.

Có dịp đi dưới cánh rừng, nhìn đường điện thẳng tắp xẻ dọc dãy Trường Sơn, ôm trọn trong mình sự hùng tráng, bao la của cả một xứ sở, những chiếc tháp trụ điện mạnh mẽ vươn thẳng lên trời cao, dang rộng cánh tay nối suối dây giữa đại ngàn Tổ quốc, chúng tôi lại thầm biết ơn những người đã tạo nên một cung đường kỳ diệu, giống như lời Thủ tướng Võ Văn Kiệt đã từng nói khi đứng tại vị trí 852 trên đỉnh núi, ngắm nhìn hàng cột 500 kV thẳng tắp: Chỉ có dao, rựa mà sao thẳng, đẹp đến vậy…

Đường dây 500 kV mạch 1 - kỳ tích của thế kỷ XX. Ảnh: Ngọc Cảnh

… đến chiến tích thần kỳ

730 ngày đêm cho 1.487 km đường dây tải điện siêu cao áp Bắc - Nam mạch 1. Dàn hàng ngang mà đánh, toàn bộ "binh hùng tướng mạnh" của ngành Năng lượng hồi ấy đều được huy động cho một đại công trường dài nhất lịch sử. Đi qua những ngày mưa như trút, những cái nắng cháy da, cháy thịt, những đỉnh núi cao chót vót, lởm chởm đá nhọn  và cả những nơi chưa có dấu chân người, gian nan vất vả có lẽ không thể nói hết bằng lời, chỉ biết rằng , hàng vạn người đã làm việc bằng tinh thần và ý chí sắt đá, một quyết tâm cao như đỉnh Trường Sơn hùng vĩ.

Tìm về ký ức của ngày hè tháng 6, khi nắng Trường Sơn như đốt cháy cả đá, giữa lau lách của những triền núi cao, anh em công nhân miệt mài lắp từng thanh xà trên cột sắt nóng hầm hập. 3.600 cột điện trên toàn tuyến cứ lắp từng thanh, từng thanh như vậy mà hoàn thành chỉ trong thời gian hơn một năm. Miền Trung, địa hình vô cùng hiểm trở, thời tiết khắc nghiệt người lao động phải đối mặt với vắt rừng, ruồi vàng, bom đạn quân thù sót lại. Trên con sông Gianh với mặt sông rộng, lòng sông sâu, nước chảy xiết, đồng bào công giáo đã ghép 100 chiếc thuyền đưa đường dây vượt chiến lũy thiên nhiên lợi hại… Đó là những ký ức không bao giờ quên trong tâm trí ông Vũ Ngọc Hải.

Bao nhiêu câu chuyện đẫm nước mắt của những người trong cuộc được kể lại mà ông vẫn cảm thấy chưa khắc họa hết cuộc sống gian khổ, đầy hiểm nguy nhưng cũng đầy tinh thần lạc quan, yêu đời của hàng vạn người thợ xây lắp điện trên công trường mang tầm thế kỷ.

Chuỗi ngày ấy, Bộ trưởng Bộ Năng lượng hầu như không có một giấc ngủ yên, có khi do công việc dang dở khiến ông phải suy nghĩ, cũng có khi do tâm trạng mong mỏi từng ngày về công trình mà ông đã góp sức khởi đầu, hay chỉ vì lo lắng cho bữa ăn đủ chất để người công nhân làm việc tại vùng khí hậu khắc nghiệt đủ sức làm việc, xây dựng công trình… Niềm vui chỉ thực sự vỡ òa khi sau hai năm, "suối điện" từ miền Bắc đã ào ạt tuôn chảy vào các công trường, nhà máy, miền quê, đô thị, các khu công nghiệp miền Trung, miền Nam đất nước.

20 năm đã trôi qua, hiệu quả kinh tế mà hệ thống truyền tải này mang lại và độ an toàn của đường dây 500 kV đã minh chứng một cách rõ nét về chủ trương sáng suốt của người đứng đầu Chính phủ trong quyết định tiến hành xây dựng công trình, đồng thời khẳng định trí tuệ và những nỗ lực của ngành Điện trong suốt quá trình từ khảo sát thiết kế, xây dựng, cho đến quản lý vận hành. Câu chuyện của những người “phôi thai” đường dây 500 kV và cảnh vật xứ sở Tổ quốc Việt Nam dường như tươi đẹp hơn với những cây cột vươn lên trời xanh, dang rộng cánh tay nâng niu sợi tơ lấp lánh, như gợi nhớ về ý thơ của nhà thơ Phạm Sỹ Đại:  "Suối dây đã tỏa trăm chiều/ Chở muôn khúc nhạc về heo hút làng".

 

* Vào lúc 19h06’ ngày 27/5/1994, tại Trung tâm Điều độ Hệ thống điện Quốc gia, Thủ tướng Võ Văn Kiệt đã chính thức phát lệnh đóng điện đường dây 500 kV Bắc- Nam mạch 1 hòa lưới điện từ Bắc vào Nam, giải tỏa công suất của Nhà máy Thủy điện Hòa Bình, chấm dứt nạn “đói điện” triền miên ở TP Hồ Chí Minh – “đầu tàu” kinh tế lớn nhất nước.

* Thiết kế của công trình 500 kV mạch 1 được nhiều cơ quan trong nước như Viện Năng lượng, Đại học Bách khoa Hà Nội và các nhà chuyên môn độc lập trong nước đồng phản biện.

Mô hình thiết kế về sơ đồ, dung lượng bù, chế độ vận hành và ổn định hệ thống, thông số thiết bị, sơ đồ liên động... cũng được nhiều tổ chức nước ngoài hỗ trợ kỹ thuật và kiểm chứng như: Viện Thiết kế Lưới Saint Peterburg (Cộng hòa Liên bang Nga); Công ty Nippon Koei (Nhật Bản), Công ty Hydro Quebec (Canada) hỗ trợ tính toán ổn định, Công ty Tractebel (Bỉ) hỗ trợ đào tạo thí nghiệm; Công ty PPI (Pacific Power International và SECVI (State Electricity Commission of Victoria International) hỗ trợ tư vấn giám sát, đào tạo quản lý vận hành, an toàn...

  • 24/12/2014 11:00

Lĩnh vực hoạt động