Điều chỉnh mục tiêu quy hoạch điện đến năm 2020

Bộ Công Thương vừa thẩm định, trình lên cấp có thẩm quyền Dự thảo Đề án điều chỉnh Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia giai đoạn đến năm 2020, có xét đến năm 2030 (Quy hoạch Điện VII).

Ngày 5/12, Phó Thủ tướng Chính phủ Hoàng Trung Hải đã chủ trì cuộc họp Ban chỉ đạo Nhà nước Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia, nghe và cho ý kiến thảo luận bước đầu về Đề án điều chỉnh.
Phó thủ tướng Hoàng Trung Hải chủ trì cuộc họp Ban chỉ đạo Nhà nước Quy hoạch điện VII

Trên cơ sở đánh giá tổng thể hiện trạng hệ thống điện Việt Nam, tình hình thực hiện Quy hoạch điện (QHĐ) VII, tổng quan KT-XH và dự báo nhu cầu tiêu thụ điện, các nhà hoạch định đã đề xuất một kịch bản điều chỉnh chương trình phát triển nguồn điện, lưới điện, liên kết lưới khu vực. Từ đó, tổng hợp nhu cầu vốn đầu tư, đánh giá hiệu quả kinh tế chương trình phát triển điện lực quốc gia.

Cùng với các nội dung trên, Đề án cập nhật các vấn đề về năng lượng sơ cấp sử dụng cho phát điện, khả năng khai thác khí, than, tiến độ xây dựng các cảng trung chuyển than, cập nhật các chỉ tiêu kinh tế, kỹ thuật, ứng dụng công nghệ mới của nguồn và lưới điện, chương trình phát triển điện nông thôn...

Cụ thể, với những biến động KT-XH, khủng hoảng kinh tế thế giới ảnh hưởng nặng nề tới Việt Nam, tăng trưởng nhu cầu điện thấp hơn nhiều so với dự báo, dẫn tới yêu cầu xem xét, điều chỉnh các nội dung trong Quy hoạch điện của giai đoạn tới.

Theo báo cáo, giai đoạn 2011 - 2015, điện thương phẩm bình quân tăng 9,9%/năm (so dự báo 14,1%/năm. Công suất cực đại tăng bình quân 9,1%/năm (so với dự báo 13,9%/năm). Từ 2011 - 2013, tổng công suất nguồn vào vận hành 9.900 MW đạt 95% so với QHĐ VII.

Hệ thống điện hiện có dự phòng thô khá cao (48%) nhưng không cân đối, trong khi miền Bắc, miền Trung có tỷ lệ dự phòng cao từ 46 - 87%, thì miền Nam tỷ lệ dự phòng thấp hoặc không có dự phòng. Lưới điện 500 kV đạt khoảng 57% về đường dây và 66% dung lượng trạm biến áp, trong khi con số này ở lưới 220 kV là 22% và 35%.

Với các dự báo về tăng trưởng GDP trong giai đoạn tới, Đề án xây dựng 2 kịch bản dự báo phụ tải. Theo đó, tốc độ tăng trưởng điện thương phẩm theo từng giai đoạn sẽ dao động ở mức 7,4 đến 10,5%; hoặc 8,1 đến 11,6%. Tổng công suất đặt nguồn tới năm 2020 sẽ khoảng 60.400 MW, giảm khoảng 15.000 MW và tới năm 2030 là 114.500 MW, giảm khoảng 29.000 MW so với QHĐ VII.

Trong khi đó, từ nay đến năm 2020 lưới điện 500 kV không thay đổi nhiều so với QHĐ, các điều chỉnh chính tập trung vào nâng công suất các trạm biến áp 500 kV Sơn La, Ô Môn, xây mới trạm Pleiku, Đức Hòa,... Giai đoạn từ 2020-2030 cũng tương tự, thay đổi lớn nhất là xây dựng đường dây 500 kV mạch kép nhiệt điện khí miền Trung – Tây Ninh, trạm biến áp Krong Buk,...

Với dự báo tổng khả năng cấp than trong nước cho sản xuất điện từ nay đến năm 2030 vào khoảng 581 triệu tấn, do đó than nội chỉ đủ cung cấp cho các nhà máy tại miền Bắc và một số nhà máy sắp vận hành. Số còn lại sẽ phụ thuộc nguồn nhập khẩu, khoảng 577 triệu tấn. Tổng nhu cầu khí khoảng 140 tỷ m3, nhu cầu nhập khẩu khí thiên nhiên hóa lỏng (LNG) khoảng 24 triệu tấn.

Tại cuộc họp, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải và các thành viên Ban chỉ đạo đã thảo luận cụ thể những nội dung, vấn đề nổi lên trong đề xuất điều chỉnh QHĐ VII. Trong đó tập trung vào việc đánh giá hiện trạng và những dự báo quan trọng trong chủ trương xây dựng, giải pháp cân bằng năng lượng điện để có bức tranh tổng thể trong thời gian tới.

Về cơ bản, các nội dung điều chỉnh tổng thể cần tính toán, cập nhật sát các thông số, dự báo tăng trưởng GDP, cân bằng năng lượng sơ cấp, từ than, khí đến năng lượng nguyên tử... để đưa ra nhu cầu phụ tải cũng như mục tiêu đầu tư nguồn, lưới. Đồng thời, thuê công ty tư vấn quốc tế đánh giá một số lĩnh vực để có được cái nhìn đa chiều và đầy đủ hơn.

Đối với một số dự án cấp bách, đang triển khai trong Tổng sơ đồ, Phó Thủ tướng yêu cầu các cơ quan, đơn vị liên quan họp, thảo luận chi tiết kế hoạch triển khai cho phù hợp với chủ trương, kế hoạch tổng thể của ngành.

Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải đặc biệt lưu ý cơ quan soạn thảo các nội dung liên quan trong bài toán tăng trưởng KT-XH, có ý nghĩa quyết định đến bức tranh phát triển ngành điện thời gian tới như tỷ lệ, nguồn đầu tư, hiệu quả sử dụng vốn đầu tư, cơ chế thực hiện Quy hoạch được điều chỉnh, hoàn thành Báo cáo đánh giá tác động môi trường chiến lược...

Các ý kiến Ban chỉ đạo sẽ được cơ quan xây dựng Đề án tiếp thu, chỉnh lý trước khi trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.

 

  • 15/12/2014 02:26
  • Chinhphu.vn

Lĩnh vực hoạt động