Tại phiên họp lần này, Ban Chỉ đạo đánh giá tình hình thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm, chương trình hành động về chuyển đổi số của các đơn vị sau phiên họp thứ nhất (tháng 4/2021) đến nay. Trong đó, Ban Chỉ đạo đánh giá nhận thức của người lao động về ứng dụng công nghệ của CMCN 4.0 đang có chuyển biến tốt hơn, có sự lan tỏa trong tập đoàn. Nhiều ứng dụng khoa học công nghệ, công nghệ 4.0 vào hoạt động SXKD là những minh chứng cụ thể mang tính thuyết phục cao đối với CBCNV.
Về việc thực hiện các nhiệm vụ thuộc Đề án chuyển đổi số giai đoạn 2021 - 2025, tính đến ngày 15/8/2021, các đơn vị trong toàn tập đoàn đã hoàn thành 369/1.172 nhiệm vụ cụ thể được tập đoàn giao (trên cơ sở 92 nhiệm vụ khung), trong đó các nhiệm vụ hoàn thành chủ yếu trong lĩnh vực quản trị (125 nhiệm vụ). Các đơn vị hoàn thành nhiều nhiệm vụ nhất gồm: Tổng công ty Điện lực miền Trung (60 nhiệm vụ), Tổng công ty Điện lực miền Nam (59 nhiệm vụ), Cơ quan EVN (46 nhiệm vụ), Tổng công ty Điện lực TP Hồ Chí Minh (23 nhiệm vụ), Tổng công ty Truyền tải điện Quốc gia (21 nhiệm vụ).
Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện, các đơn vị vẫn gặp phải những vướng mắc cần thêm thời gian giải quyết như: chưa làm chủ được các công nghệ mới AI, Bigdata,...; nguồn nhân lực kiêm nhiệm; năng lực đội ngũ thực hiện chưa thực sự đáp ứng,... Nhiều đơn vị gặp khó khăn trong quá trình triển khai và không đáp ứng tiến độ đề ra, trong đó có các nguyên nhân chủ quan như: đánh giá sai khối lượng, chưa hình dung hết sự phức tạp,...
Bên cạnh đó, việc triển khai Đề án chuyển đổi số giai đoạn 2021 - 2025 hiện đang tạo ra sự chồng chéo nhiệm vụ, khó khăn trong quản lý đầu việc, phân tách phạm vi công việc giữa nhiệm vụ chuyển đổi số và nhiệm vụ ứng dụng công nghệ 4.0; khối lượng đầu việc tại một số đơn vị chuyên trách về chuyển đổi số hiện quá lớn, gây quá tải nguồn nhân lực trong quá trình triển khai.
Phiên họp được tổ chức trực tuyến đến các điểm cầu đơn vị trực thuộc EVN.
|
Kết luận phiên họp, Chủ tịch HĐTV EVN Dương Quang Thành ghi nhận, đánh giá cao nỗ lực của các tổ công tác và các đơn vị trong tập đoàn đã triển khai Nghị quyết số 68/NQ-HĐTV bằng những chương trình hành động cụ thể. Một số đơn vị đã chủ động đề xuất những nhiệm vụ trọng tâm, thể hiện quyết tâm trong công tác chuyển đổi số.
Trước các khó khăn, thách thức của chuyển đổi số trong hoạt động đầu tư - xây dựng, sản xuất, kinh doanh & dịch vụ khách hàng của Tập đoàn, Chủ tịch HĐTV EVN đề nghị các đơn vị phải thực sự chủ động và sáng tạo trong huy động nguồn lực triển khai chuyển đổi số; chủ động lựa chọn, triển khai các nội dung, công cụ chuyển đổi số thích hợp với điều kiện của đơn vị mình. Xem xét cho phép các đơn vị xây dựng các phần mềm riêng phục vụ công việc của đơn vị mình, trên cơ sở phù hợp hệ sinh thái số chung toàn EVN. Đối với các phần mềm, ứng dụng đã được các đơn vị hoàn thành xây dựng, vận hành ổn định, cần xây dựng các quy trình, hướng dẫn sử dụng để trao đổi, chia sẻ cho các đơn vị khác để tham khảo, học tập...
Đặc biệt, Chủ tịch HĐTV EVN yêu cầu lãnh đạo các đơn vị phải thực sự quan tâm, sâu sát hơn nữa trong công tác chuyển đổi số tại đơn vị mình, để công tác chuyển đổi số trong toàn tập đoàn đảm bảo đúng tiến độ, chất lượng đề ra.
Lãnh đạo EVN cũng chỉ đạo Ban Viễn thông và Công nghệ thông tin (cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo) xây dựng và ban hành các bộ tiêu chí đánh giá mức độ chuyển đổi số, làm cơ sở áp dụng đánh giá, chấm điểm các đơn vị trong năm 2022; lập kế hoạch và các mốc thời gian cụ thể triển khai các nhiệm vụ, hoạt động, chương trình chuyển đổi số của các đơn vị; bộ tiêu chí đánh giá hiệu quả chuyển đổi số (hoàn thành trong tháng 6/2022),....
Chủ tịch HĐTV EVN cũng yêu cầu các tổ công tác thuộc Ban Chỉ đạo tiếp tục thực hiện nghiêm túc các kết luận của Ban Chỉ đạo tại phiên họp thứ nhất, đặc biệt chú trọng thông tin, tuyên truyền, vận động mỗi CBCNV trong toàn tập đoàn khơi dậy khát vọng chuyển đổi số, không ngừng nỗ lực học tập, trau dồi, cập nhật kiến thức về ứng dụng khoa học công nghệ trong sản xuất kinh doanh, góp phần cùng tập đoàn chuyển đổi số thành công.