Đường dây 500 kV Bắc - Nam

Chủ đầu tư:
Loại công trình: Đường dây
Loại hình tư vấn: Tư vấn thiết kế, Giám sát, Khảo sát, Thí nghiệm
Vị trí xây dựng, lắp đặt:
CSLM: 0
Điện lượng: 0
Công nghệ:

Đường dây 500kV Bắc – Nam mạch 1 là công trình đường dây truyền tải điện năng (điện xoay chiều) siêu cao áp 500kV đầu tiên tại Việt Nam có tổng chiều dài 1.487 km, kéo dài từ Hòa Bình đến Thành phố Hồ Chí Minh. Mục tiêu xây dựng công trình là nhằm truyền tải lượng điện năng dư thừa từ Miền Bắc Việt Nam (từ cụm các nhà máy thủy điện Hòa Bình, Thác Bà; nhiệt điện Phả Lại, Uông Bí, Ninh Bình) để cung cấp cho miền Nam Việt Nam và miền Trung Việt Nam lúc đó đang thiếu điện nghiêm trọng, đồng thời liên kết hệ thống điện cục bộ của ba Miền thành một khối thống nhất.

Việc xây dựng đường dây siêu cao áp thống nhất hệ thống điện đã được đề cập đến trong tổng sơ đồ phát triển lưới điện giai đoạn 1 (1981 – 1985) của Việt Nam được thiết lập với sự hợp tác của Liên Xô. Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi của công trình do Nhật Bản tài trợ thực hiện tặng cho Chính phủ Việt Nam.

Công trình được Bộ Chính trị thông qua vào tháng 1/1992. Đến ngày 25/2/1992, Chính phủ phê duyệt Luận chứng kinh tế – kỹ thuật với quyết định thời gian hoàn thành là 2 năm và do thời gian khẩn cấp nên cho phép thực hiện theo phương thức khảo sát, thiết kế, nhập vật tư - thiết bị và thi công thực hiện song song.

Chủ trì thiết kế phần nhất thứ cho công trình là Công ty Khảo sát Thiết kế điện 1 (nay là Công ty Cổ phần Tư vấn Xây dựng điện 1) phối hợp với các Công ty Khảo sát Thiết kế điện 2 (nay là Công ty Cổ phần Tư vấn Xây dựng điện 2), Phân viện Thiết kế điện Nha Trang (nay là Công ty Cổ phần Tư vấn Xây dựng điện 4). Quy trình thiết kế gồm 3 giai đoạn:

  • Năm 1990: Khảo sát lập Báo cáo nghiên cứu khả thi
  • Từ cuối năm 1991 – 1992: Khảo sát kỹ thuật và lập thiết kế kỹ thuật
  • Năm 1993: Khảo sát kỹ thuật từng vị trí và lập bản vẽ thi công

Khối lượng khảo sát của công trình rất lớn với khoảng 2000 km khảo sát đo vẽ địa hình lập mặt cắt dọc, 500 km lập mặt cắt dọc pha; 200ha phục vụ đo bình đồ tỉ lệ 1/200 tại các góc lái; 5200m khoan thăm dò ở các vị trí có nguy cơ sạt lở; thí nghiệm khoảng 15000 mẫu đất đá... trên tổng chiều dài 1.487 km đường dây và 5 trạm biến áp.

Mục tiêu thiết kế đường dây là để truyền tải sản lượng khoảng 2.000GWh vào Thành phố Hồ Chí Minh mỗi năm với công suất đỉnh là 600MW - 800MW; độ tin cậy là 0,8 sự cố trên 100 km đường dây mỗi năm (tương đương 12 sự cố cho toàn đường dây một năm).

Xây dựng:

Đường dây 500kV Bắc – Nam có tổng chiều dài 1487 km gồm có 3437 cột điện tháp sắt đi qua 14 tỉnh thành gồm Hòa Bình, Thanh Hoá, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế, Quảng Nam - Đà Nẵng (nay là tỉnh Quảng Nam và thành phố Đà Nẵng), Kon Tum, Gia Lai, Đắc Lắc, Sông Bé (nay là các tỉnh Bình Phước, Bình Dương), Long An, thành phố Hồ Chí Minh; trong đó qua vùng đồng bằng là 297 km (chiếm 20%), trung du – cao nguyên là 669 km (chiếm 45%), núi cao, rừng rậm là 521 km (chiếm 35%) với 8 lần vượt sông (sông Đà, sông Mã, sông Lam, sông La, sông Gianh, sông Thạch Hãn, sông Hương, sông Sài Gòn) và 17 lần vượt quốc lộ.

Công trình được Thủ tướng Võ Văn Kiệt phát lệnh khởi công phần đường dây vào ngày 5/4/1992 tại các vị trí móng số 54, 852, 2702 và khởi công phần trạm biếp áp vào ngày 21/01/1993 tại trạm biến áp Phú Lâm, thành phố Hồ Chí Minh.

Đến tháng 4/1994, cơ bản công trình được xây dựng hoàn tất với khối lượng sơ bộ gồm lắp dựng 3437 cột tháp sắt (trong đó có 12 vị trí đảo pha); căng 1487 km dây dẫn (mỗi pha 4 dây) và dây chống sét (hai dây chống sét, trong đó 1 dây có mang dây cáp quang); xây dựng 22 trạm lặp cáp quang, 19 chốt vận hành đường dây; đổ 280.000m3 bêtông móng với 23.000 tấn cốt thép; 60.000 tấn cột điện, 23.000 tấn dây dẫn và 930 tấn dây chống sét; 6.300 tấn cách điện.

Phần trạm biến áp gồm 5 trạm Hòa Bình, Hà Tĩnh (trạm bù), Đà Nẵng, Pleiku, Phú Lâm. Giai đoạn 1 (5/1994) chỉ mới lắp đặt 1 tổ máy 550/220/35kV - 3x150MVA tại trạm Hòa Bình và 1 tổ máy 3x150MVA tại trạm Phú Lâm. Đến tháng 9/1994, lắp đặt thêm 3 tổ máy biến áp 550/220/35kV – 3x150MVA tại các trạm Hòa Bình, Phú Lâm, Đà Nẵng và đến tháng 11/1994, lắp đặt thêm 1 tổ máy biến áp 550/220/35kV – 3x150MVA tại trạm Pleiku.

Phần nhà điều hành Trung tâm Điều Độ Hệ thống điện Quốc gia với hệ thống SCADA theo dõi thông số vận hành toàn hệ thống điện cũng được hoàn thành vào đầu năm 1994. Hệ thống này cũng cho phép điều khiển các thiết bị đóng cắt của các trạm trên hệ thống 500kV tại Trung tâm Điều Độ Hệ thống điện Quốc gia (nhưng chỉ thử nghiệm mà không đưa vào vận hành chính thức).

Thí nghiệm, nghiệm thu đóng điện:

Công tác thí nghiệm thiết bị, thông mạch các trạm biến áp Hòa Bình, Hà Tĩnh do Trung tâm Thí nghiệm thuộc Công ty Khảo sát điện 1 (nay là Công ty CP Tư vấn xây dựng Điện 1) thực hiện; trạm Đà Nẵng, Pleiku do Trung tâm Thí nghiệm điện 3 thực hiện và trạm Phú Lâm do Trung tâm Thí nghiệm điện 2 thực hiện. Công tác thí nghiệm, thông mạch đều được giám sát chặt chẽ bởi các chuyên gia của hãng sản xuất thiết bị và của 2 đơn vị tư vấn PPI và SECVI. Quá trình nghiệm thu, đóng điện đường dây gồm 4 giai đoạn:

  • Đóng điện DC 220V (từ 14 đến 16/4/1994) và AC điện áp 15kV (từ 25/4 đến 7/5/1994) để xác định thứ tự pha, đo điện trở DC và kiểm tra thông số đường dây.
  • Đóng điện từng cung đoạn đường dây với điện áp 500kV (từ 20/5 đến 26/5/1994).
  • Hòa hệ thống điện Miền Nam với 4 tổ máy của nhà máy thủy điện Hòa Bình vào ngày 27/5/1994 tại trạm Đà Nẵng.
  • Hòa đồng bộ hệ thống điện Miền Nam với hệ thống điện Miền Bắc tại nhà máy thủy điện Hòa Bình vào ngày 29/5/1994.

Lúc 19 giờ 6 phút ngày 27/5/1994, tại Trung tâm Điều Độ Hệ thống điện Quốc gia, Thủ tướng Võ Văn Kiệt ra lệnh hòa hệ thống điện Miền Nam với 4 tổ máy của nhà máy thủy điện Hòa Bình tại trạm Đà Nẵng qua đường dây 500kV, chính thức đưa hệ thống 500kV vào vận hành.

Thông số thiết bị:

      Phần đường dây

Stt Tên vật tư, thiết bị Hãng sản xuất Nước sản xuất Loại thiết bị
1 Cáp quang Nissho Iwai Nhật Bản OPGW 70 (nằm trong dây chống sét)
2 Thép dẹt Mitsui Nhật Bản Mạ kẽm nhúng nóng (hot-dip galvanized)
3 Sứ và phụ kiện Sediver Pháp F300/195DC (néo); F160/146DC; F120/146DC (đỡ); F70/127DC (đỡ lèo)
4 Cột thép, thép góc và dây dẫn Hyundai, Hyosung, Lucky Goldstar, Daewoo, Samsung Hàn Quốc Cột thép mạ kẽm nhúng nóng; dây dẫn 4xACSR-330/SQ85
5 Cột thép và dây dẫn - Ukraina Cột thép mạ kẽm nhúng nóng; dây dẫn 4xACSR-330/SQ85
6 Dây chống sét thứ hai - Ukraina ACKП70/72

      Phần trạm biến áp

Stt Tên vật tư, thiết bị Hãng sản xuất Nước sản xuất Loại thiết bị
1 Máy biến áp Jeumont Schneider Pháp Máy biến áp tự ngẫu
2 Tụ điện bù dọc Nokia(n) Capacitor Phần Lan Tụ cách điện bằng dầu
3 Kháng bù ngang ABB Thụy Điển Kháng dầu
4 Máy cắt 500kV, 220kV, 110kV, 35kV Nuova Magrini Galileo, ABB, Merlin Gerin Ý, Thụy Điển, Pháp 550MHMe-4Y, 245MHMe-1P, 123MHMe-1P; LTB 72,5D1; SB6
5 Dao cách ly 500kV, 220kV Egic Pháp OH-500, DR-245
6 Chống sét van ABB Thụy Điển Exlim Q
7 Rơle bảo vệ Siemens, Gec Alsthom Đức, Anh 7SA513 (khoảng cách), 7UT513 (so lệch máy biến áp), LFCB (so lệch đường dây), LFAA (tự đóng lại)...
8 Thiết bị đầu cuối thông tin quang NEC Nhật -
9 Thiết bị cho trung tâm điều độ quốc gia Cegelec Pháp -

Chi phí cho công trình:

Tổng chi phí đầu tư cho công trình là 5.488,39 tỷ đồng Việt Nam (tương đương 700 triệu đô la Úc hay 544 triệu đô la Mỹ) bằng nguồn vốn trong nước, thấp hơn 1% so với dự toán. Công trình đã được khấu hao toàn bộ giá trị xây dựng và quyết toán vào năm 2000.

Phần tài trợ của Chính phủ Úc có tổng giá trị 6,5184 triệu đô la Úc thông qua chương trình Private Sector Linkages do tổ chức hợp tác quốc tế AusAID điều hành, phần đóng góp chính là của tập đoàn năng lượng Austenergy, gồm 4 giai đoạn:

  1. Giai đoạn 1 (từ 11/1992 đến 12/1992): Thẩm định thiết kế tổng quát của đường dây.
  2. Giai đoạn 2 (từ 12/1992 đến 30/6/1993): Chuẩn bị tư vấn chi tiết về thiết kế và lập đề cương cho dự án để phục vụ các hoạt động sau này của dự án.
  3. Giai đoạn 3 (1/7/1993 đến 30/9/1994): Chuẩn bị nội dung hướng dẫn về an toàn và hiệu quả trong vận hành hệ thống, bao gồm đào tạo giám sát viên và điều hành viên tại Úc.
  4. Giai đoạn 4 (1/10/1994 đến 30/6/1995): Hỗ trợ thí nghiệm, nghiệm thu đường dây và đào tạo công tác vận hành tại chỗ.

 

Công trình thế kỷ và chia sẻ người trong cuộc

  • 24/12/2014

Đem những thắc mắc về quá trình xây dựng công trình vĩ đại mang tầm thế kỷ - công trình đường dây tải điện siêu cao áp 500 kV Bắc - Nam đến gặp Cựu Bộ Trưởng Bộ Năng Lượng Vũ Ngọc Hải và ông Trương Bảo Ngọc, Nguyên Giám đốc Công ty Khảo sát Thiết kế điện 1(Nay là Công ty CP Tư vấn Xây dựng điện 1),...

Chi tiết...


Dự án khác