Tổ máy 1 Nhà máy Thủy điện Thượng Kon Tum hòa lưới điện quốc gia

Vào lúc 3h08 chiều ngày 24-3-2021, tổ máy thứ 1 thuộc dự án nhà máy Thủy điện Thượng Kon Tum đã phát điện hòa lưới thành công, cung cấp điện năng tin cậy cho phụ tải các tỉnh miền Trung Tây Nguyên.

Dự án Thủy điện thượng Kon Tum có tổng vốn đầu tư khoảng 9.500 tỷ đồng, gồm 2 tổ máy với tổng công suất 220MW, sản lượng điện bình quân trên 1.094 triệu kWh/năm. Đây là một trong những dự án quan trọng của quốc gia do PECC1 làm Khảo sát, Thí nghiệm, Tư vấn thiết kế, Tư vấn giám sát xây dựng, Thi công khoan phụt đập và hầm dẫn nước và Lập phương án phòng, chống lũ, lụt vùng hạ du.

Thủy điện Thượng Kon Tum nhìn từ trên cao

Sau 10 năm thi công với rất nhiều khó khăn, dự án đã hòa lưới điện quốc gia thành công tổ máy số 1, đây là mốc quan trọng để tiến tới hoàn thành việc thử nghiệm và đưa tổ máy thứ 2 vào vận hành thương mại.

Các kỹ sư PECC1 đã áp dụng nhiều công nghệ mới trong quá trình tư vấn thiết kế dự án như đào hầm bằng công nghệ tiên tiến TBM và lần đầu áp dụng công nghệ điều áp bằng khí nén. Các buồng điều áp khí nén (ACSC) được sử dụng như một giải pháp thay thế kinh tế cho buồng điều áp hở truyền thống để ngăn chặn nước va của đường hầm áp lực do những thay đổi phụ tải của nhà máy điện. Đây là lần đầu tiên PECC1 thiết kế bản vẽ thi công ACSC dựa trên TKKT nguyên tắc về tính toán thủy lực và yêu cầu kích thước hình học ACSC của Multiconsult. Việc thiết kế biện pháp bản vẽ thi công là rất khó khăn do đường vào thi công chật hẹp, thông gió khó khăn. Quá trình đào hầm phải đào hầm nhỏ và hạ nền trong điều kiện rất nóng thiếu khí. Vận chuyển thép lót phải cắt nhỏ và vào trong mới tổ hợp hàn vì vậy càng thiếu khí khó thi công. Vượt qua những khó khăn, trở ngại đó, các kỹ sư PECC1 đã hoàn thành công việc đúng tiến độ và chất lượng.

Sơ đồ tuyến năng lượng có ACSC

Dự án có tuyến năng lượng với độ dài khoảng 17,5 km, đây là đường hầm dẫn nước dài nhất Việt Nam hiện nay, gồm: 5km là hình móng ngựa; 12km là hình tròn đường kính 4,5m. Do tuyến nằm sâu trong lòng núi với nhiều tầng địa chất, đứt gãy phức tạp, lượng nước ngầm rất lớn, nên việc thi công hết sức khó khăn, đặc biệt là mũi thi công đào khoan nổ thông thường từ phía cửa nhận nước. Đây cũng là dự án có đập đất cao nhất Việt Nam với chiều cao là 80m, và cột nước cao nhất Việt Nam với chiều cao là 944m.

Các kỹ sư PECC1 tại lễ hòa lưới điện quốc gia tổ máy số 1 Nhà máy thủy điện Thượng Kon Tum

Tuy gặp nhiều khó khăn trong quá trình tư vấn thiết kế và giám sát xây dựng công trình, nhưng các kỹ sư PECC1 đã thực hiện nhiệm vụ một cách xuất sắc, hoàn thành khối lượng lớn công việc để nhanh chóng đưa nhà máy vào vận hành chính thức. Điều này càng khẳng định năng lực, kinh nghiệm, sự tận tâm của các kỹ sư PECC1 đồng thời nâng cao uy tín của Công ty trong lĩnh vực năng lượng tại Việt Nam.

  • 24/03/2021 03:23