Bên cạnh việc các nhà máy nhiệt điện than và khí đốt vẫn đang hoạt động làm cản trở quá trình chuyển đổi sang lưới điện không phát thải, thì thách thức lớn nhất là Canada cần sản xuất được một lượng điện tái tạo và không phát thải khổng lồ để đáp ứng mục tiêu này.
Theo dự báo, quá trình phát triển kinh tế, bùng nổ dân số, gia tăng sử dụng xe điện và điện khí hóa nhà ở sẽ thúc đẩy nhu cầu điện tăng gấp đôi vào năm 2050. Xét vị thế hiện tại, Canada đơn giản là không có khả năng tạo ra đủ công suất vào lúc đó.
Nếu muốn đạt được mục tiêu này, Canada cần phải thực hiện ngay một mô hình mới: Các hộ gia đình và doanh nghiệp cần được khuyến khích tự sản xuất điện. Khi đó các ngôi nhà và tòa nhà sẽ trở thành "người tiêu dùng kiêm nhà sản xuất điện".
Mọi hộ gia đình và doanh nghiệp ở Canada đều có thể đóng góp cho giải pháp này. Với việc sử dụng các tấm pin mặt trời, bộ pin tích trữ và việc áp dụng công nghệ biến tần hiện có, Canada có thể giảm đáng kể nhu cầu tiêu thụ điện từ các hộ gia đình và doanh nghiệp và giảm được áp lực lên lưới điện từ cộng đồng này.
(Ảnh minh họa)
|
Đây không phải là một ý tưởng mới. Các quốc gia khác đã chuyển sang mô hình người tiêu dùng kiêm nhà sản xuất điện từ nhiều năm nay. Anh và Đức mỗi nước có khoảng 1,5 triệu ngôi nhà đang tự sản xuất điện. Ở Ý, có hơn 3 triệu ngôi nhà. Ở Mỹ, điều này cũng đang diễn ra, nhiều cộng đồng ở California đã xây dựng các khu phát triển mới hoàn toàn dựa vào lưới điện siêu nhỏ của riêng họ.
Việc áp dụng mô hình này ở Canada là hoàn toàn khả thi. Yếu tố then chốt nằm ở quyết tâm chính trị của chính phủ, việc triển khai mô hình người tiêu dùng kiêm nhà sản xuất điện đòi hỏi cần có sự phối hợp giữa các quy định về xây dựng của liên bang và các tỉnh, cũng như các cơ quan quản lý khác nhau.
Canada cần tháo gỡ được những rào cản về pháp lý và thủ tục hành chính để đạt được sự thay đổi có ý nghĩa cho xã hội trong giai đoạn khó khăn hiện tại.
Ngoài việc loại bỏ thủ tục rườm rà, chính phủ cần đưa ra các chương trình khuyến khích và sử dụng nguồn thuế để hỗ trợ người Canada chuyển đổi sang cải tiến tiết kiệm năng lượng cho nhà ở và doanh nghiệp của họ.
Hiện tại, các tòa nhà là nguồn phát thải carbon lớn thứ ba ở Canada. Bằng cách đảm bảo các công trình thương mại, công nghiệp và nhà ở cũng đóng góp năng lượng sạch cho lưới điện, chúng ta có thể đồng thời giảm nhu cầu tiêu thụ trên hệ thống điện và giảm bớt tác động từ lượng khí thải carbon lớn mà những tòa nhà này hiện đang gây ra.
Bước đầu tiên là phải bắt buộc lắp đặt hệ thống điện mặt trời với tiềm năng sản xuất tối thiểu 7,5 kWh mỗi ngày và giải pháp pin tích trữ cho tất cả các ngôi nhà mới được xây dựng từ năm 2025 trở đi.
Giả sử mỗi ngôi nhà mới được trang bị một hệ thống điện mặt trời và tạo ra 7,5kWh mỗi ngày, thì 275.000 ngôi nhà mới được xây dựng ở Canada mỗi năm sẽ tạo ra 2 gigawatt giờ (GWh) điện sạch mỗi ngày. Việc lắp đặt hệ thống tích trữ điện năng bằng pin sẽ cho phép sử dụng điện vào giờ cao điểm mà không lo bị cắt điện do quá tải, đồng thời còn giúp giảm được hóa đơn tiền điện hàng tháng.
Theo phương án này, đến năm 2050 Canada có thể có thêm 6,9 triệu ngôi nhà, chỉ riêng các công trình mới đã cung cấp thêm 62GWh điện năng. Điều này sẽ giúp tiết kiệm hàng tỷ đô la cho các khoản chi phí đầu tư xây dựng nguồn, lưới điện và vận hành hệ thống điện.
Cuộc khủng hoảng năng lượng đang diễn ra là có thật. Tình hình năng lượng hạt nhân hiện tại của Canada đặt nước này trong bối cảnh khó khăn. Hiện nay, năng lượng hạt nhân là nguồn năng lượng lớn nhất và bền vững nhất mà Canada có thể tiếp cận. Nhà máy điện hạt nhân lớn nhất của Canada, là nhà máy của Công ty Bruce Power gần Kincardine, Ontario, sản xuất 40,5 tỷ kWh mỗi năm và tốn khoảng 19 tỷ đô la Mỹ nếu xây dựng mới hiện nay
Để đạt được mục tiêu không phát thải, Canada sẽ cần 9 nhà máy Bruce Power với chi phí 171 tỷ USD vào năm 2035 và 28 nhà máy Bruce Power với chi phí 532 tỷ USD vào năm 2050. Điều này rõ ràng là bất khả thi.
Trong bối cảnh hiện tại, sẽ không thể đạt được mục tiêu phát thải nếu như người dân và các doanh nghiệp không bắt đầu tự tạo ra điện. Đã đến lúc phải hành động ngay và đẩy nhanh tiến độ. Hiện tại, tình hình năng lượng ở Canada đã đạt đến mức khủng hoảng.
Theo EVN