Công trình thuỷ điện Bản Chát nằm ở bậc trên trong hệ thống bậc thang thuỷ điện trên sông Nậm Mu, là nhánh cấp I của hệ thống sông Đà, bậc thang dưới là thuỷ điện Huội Quảng có công suất lắp 520MW. Công trình có đập Bê tông đầm lăn RCC cao 132m, đây là đập RCC cao thứ 4 ở Việt Nam chỉ sau đập thủy điện Sơn La, Lai Châu và Bản Vẽ.
Cụm công trình đầu mối nằm tại xã Mường Kim, huyện Than Uyên, tỉnh Lai Châu.. Đây là công trình thuỷ điện có vai trò quan trọng trong việc phát điện. Việc triển khai xây dựng công trình thuỷ điện Bản Chát góp phần đáng kể cho việc phát triển kinh tế xã hội khu vực Dự án, khai thác hiệu quả cao nhất nguồn thủy năng- thủy lợi của Sông Đà và giảm áp lực thiếu điện cho đất nước.
Công trình thủy điện Bản Chát do Tập Đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) làm chủ đầu tư và Công ty Cổ phần Tư vấn xây dựng Điện 1 (PECC1) thực hiện toàn bộ các công tác khảo sát, thiết kế từ giai đoạn lập Quy hoạch, Báo cáo đầu tư, Dự án đầu tư, Thiết kế Kỹ thuật và Thiết kế Bản vẽ Thi công
Công trình có thông số chính như: Diện tích lưu vực 1929km2, lưu lượng trung bình năm 111.1 m3/s; Công suất lắp máy 220MW, điện lượng trung bình nhiều năm 1,158 tỷ kWh (có tính đến gia tăng cho thủy điện Sơn La và Hòa Bình); Mực nước dâng bình thường 475m, mực nước chết 431m; Dung tích toàn bộ hồ chứa 2137.7 triệu m3, dung tích hữu ích 1702.4 triệu m3; Vị trí tuyến có thung lũng sông hẹp, chiều rộng lòng sông khoảng 35m, mặt cắt lòng sông hình chữ U, độ dốc sườn bờ phải trung bình khoảng 35 độ, độ dốc sườn bờ trái khoảng 40 độ; Tổng khối lượng đào đất, đá khoảng 9343.19x103m3; Tổng khối lượng bê tông 1931.9x103m3 (trong đó khối lượng bê tông đập 1858.57x103m3).
Bố trí công trình:
a, Đập không tràn
Mặt cắt đập không tràn đã được tối ưu thông qua các tính toán kiểm tra về độ bền, ổn định đập theo tiêu chuẩn và công nghệ thi công bê tông đầm lăn (RCC). Mặt cắt có dạng hình thang, chiều rộng đỉnh đập là 10m. Cạnh thượng lưu thẳng đứng. Cạnh hạ lưu có độ dốc m=0,75 xuất phát từ mép hạ lưu của đỉnh đập. Chiều cao đập lớn nhất là 132m.
- Các đoạn đập không tràn nằm trong tuyến áp lực của công trình được bố trí như sau:
- Đoạn đập không tràn bên bờ trái L = 186,09 m
- Đoạn đập không tràn - cửa lấy nước L = 37,50 m
- Đoạn đập không tràn bờ phải L = 124,22 m
b, Đập tràn
Đập tràn nằm trong tuyến áp lực ở lòng sông. Đập tràn gồm 4 khoang xả mặt kích thước 15x15m. Dạng mặt cắt đập tràn được dựa theo mặt cắt đập không tràn đã được kiến nghị lựa chọn. Bề mặt tràn được lựa chọn là dạng mặt cong tròn không chân không ôphixerốp với ngưỡng tràn ở cao độ 460,0m. Nối tiếp đập tràn với hạ lưu kiểu mũi phóng với hố tiêu năng nằm ở lòng sông hạ lưu. Nối tiếp mặt tràn với mũi phóng là mặt cong có bán kính R = 30m, góc mũi phun được xác định qua tính toán là 300 nhằm đạt được chiều dài phun xa lớn nhất. Khả năng xả lớn nhất của đập tràn là 10059m3/s.
Chiều cao xây dựng lớn nhất của đập tràn là 132m, trong đó 4,9m bê tông CVC xử lý đứt gãy, 98,1m bê tông RCC, 29m là phần bê tông CVC mặt tràn, trụ pin.
c, Cửa lấy nước
Cửa lấy nước của nhà máy thủy điện bố trí ở đoạn đập không tràn bờ phải trong thành phần tuyến áp lực, bao gồm 2 phân đoạn đập – cửa lấy nước, mỗi phân đoạn rộng 18.75 m.
Cửa lấy nước và 2 đường ống dẫn nước áp lực, vỏ bọc bê tông, đường kính trong 6.0m, chiều dài 1 ống 124m
d, Nhà máy thủy điện
Nhà máy thuỷ điện (NMTĐ) nằm sau đập, liền kề với bờ phải. Vị trí của NMTĐ được xác định theo bố trí chung của đầu mối có tính đến các điều kiện địa chất và bố trí hợp lý nhất các công trình xả để đảm bảo điều kiện nối tiếp thuỷ lực thượng và hạ lưu an toàn. NMTĐ bao gồm 2 tổ máy với tuabin Francis đường kính 3m và máy phát đồng bộ với vận tốc quay định mức 187,5 v/ph, điện áp 13,8 kV, công suất lắp đặt 110MW. Tổng công suất lắp đặt của NMTĐ là 220MW. Hai tổ máy nằm trong 1 phân đoạn với kích thước mặt bằng 43,25 m (dọc dòng chảy) và 77,2 m (ngang dòng chảy). Chiều cao của phần ngầm dưới nước (đến cao trình gian máy 373,30m) là 26,8m, được ngăn với các phân đoạn gian lắp ráp liền kề bằng khe biến dạng.
Tổng mức đầu tư của công trình là 9198 tỷ đồng, công trình được xây dựng trong vùng có động đất lớn và là vùng xa với nhiều khó khăn, thiếu thốn về giao thông, hạ tầng v.v.
Công trình thủy điện Bản Chát phát điện tổ máy 1 vào tháng 02/2013; phát điện tổ máy 2 vào tháng 05/2013 và khánh thành vào năm tháng 12/2015. Công trình thủy điện Bản Chát khi hoàn thành có ý nghĩa to lớn trong việc phát triển kinh tế xã hội của Việt nam.