Hội thảo có sự tham dự của ông Cao Quốc Hưng - Thứ trưởng Bộ Công Thương; ông Trương Duy Nghĩa - Chủ tịch Hội Khoa học Kỹ thuật Nhiệt Việt Nam; ông Nguyễn Ngọc Hiển - Tổng Biên tập Báo Lao động.
Bên cạnh đó còn có đại diện một số Bộ, ban ngành Trung ương, Tập đoàn Điện lực Việt Nam, Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam.
Dự kiến, giai đoạn 2018 - 2022, tổng công suất các nguồn điện đưa vào vận hành là 34.864 MW, trong đó nhiệt điện than là 26.000 MW. Tuy nhiên, thực tế tới nay mới chỉ có 7 dự án nhiệt điện than đã khởi công và đang xây dựng với công suất 7.860 MW, còn thiếu trên 18.000 MW theo yêu cầu.
Cũng theo Quy hoạch điện VII điều chỉnh, đến năm 2030, cả nước sẽ có hơn 70 nhà máy nhiệt điện than.
Ông Lê Văn Lực (ảnh trái) và PGS.TS Trương Duy Nghĩa (ảnh phải) giải đáp những câu hỏi tại Hội thảo
|
Thứ trưởng Bộ Công Thương Cao Quốc Hưng cho biết, quan điểm chỉ đạo của Chính phủ là phải đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia. Trong đó, cần phát triển nguồn điện hài hòa, nhất là trong bối cảnh các thuỷ điện vừa và lớn cơ bản đã khai thác hết, các nguồn điện khác còn hạn chế. Vì vậy, nhiệt điện than vẫn đóng vai trò hết sức quan trọng trong ngắn hạn và trung hạn.
Để phát triển nhiệt điện than, cần ưu tiên lựa chọn các công nghệ tiên tiến, hiện đại, có các thông số hơi trên siêu tới hạn để nâng cao hiệu suất các tổ máy, giảm tiêu thụ nhiên liệu và giảm phát thải ra môi trường, đáp ứng các quy định về phát thải của Việt Nam và quốc tế.
“Phát triển nhiệt điện than phải đi đôi với bảo vệ môi trường. Đối với những dự án mới, cũng như các nhà máy đang vận hành, sẽ tăng cường kiểm tra, giám sát thực hiện quy trình vận hành, tăng cường giải pháp sử dụng tro, xỉ thạch cao để sản xuất vật liệu xây dựng không nung, san lấp công trình xây dựng…”, Thứ trưởng Cao Quốc Hưng nhấn mạnh.
Theo ông Lê Văn Lực - Phó Cục trưởng Cục Điện lực và năng lượng tái tạo (Bộ Công Thương), từ năm 2016 đến nay, ngành Điện cung cấp đủ điện, công tác đảm bảo môi trường của các nhà máy nhiệt điện than ngày càng tiến bộ, không để xảy ra sự cố nào về môi trường. “Đến năm 2030 và nhiều năm sau đó, nhiệt điện than vẫn chiếm tỉ trọng lớn trong cơ cấu nguồn điện mới đảm bảo cung cấp đủ điện với giá điện hợp lý cho phát triển kinh tế xã hội đất nước” - ông Lê Văn Lực khẳng định.
EVN đã áp dụng những công nghệ tiên tiến trên thế giới cho nhà máy nhiệt điện than của Tập đoàn
|
Tại Hội thảo, PGS.TS. Trương Duy Nghĩa - Chủ tịch Hội Khoa học Kỹ thuật nhiệt Việt Nam cho rằng, tương lai của các nguồn năng lượng tái tạo ở Việt Nam rất rộng mở, song nếu xét trên thực tế thì Việt Nam đang ở giai đoạn 2 về phát triển điện năng, nhu cầu dùng điện tăng cao, nhiệt điện than vẫn là nguồn phát điện hợp lý nhất, hiệu quả nhất để đáp ứng nhu cầu điện năng rất lớn của đất nước.
Theo PGS.TS. Trương Duy Nghĩa, trên thế giới, nhiều nước phát triển vẫn sử dụng nhiệt điện than với tỷ trọng lớn như: Đức, Australia, Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Ba Lan, Trung Quốc.
Các chuyên gia cũng đồng quan điểm về việc phát triển nhiệt điện than với công nghệ cao, hiện đại, thân thiện với môi trường sẽ mang lại nhiều lợi ích cho hệ thống điện vì diện tích chiếm đất ít, sản lượng điện lớn, ổn định, giá thành sản xuất hợp lý hơn các nguồn điện khác (giá nhiệt điện than thấp chỉ sau thủy điện). Bên cạnh đó, vấn đề môi trường đã và đang được kiểm soát, giám sát chặt chẽ bởi Chính phủ, các Bộ, ngành cũng như các tổ chức xã hội và nhân dân nơi có dự án.
Ông Nguyễn Tân Bình, Trưởng ban Khoa học công nghệ và Môi trường (Tập đoàn Điện lực Việt Nam) cho biết, hiện nay các nhà máy nhiệt điện than của EVN đang sử dụng công nghệ hiện đại không thua kém các nhà máy trong khu vực và trên thế giới, đáp ứng tốt các yêu cầu về môi trường. Điều này đã được Trung tâm năng lượng than Nhật Bản (JCOAL) đánh giá cao.
Bên cạnh đó, các kết quả đo đạc, phân tích cho thấy các nhà máy nhiệt điện than của EVN phát thải thấp hơn nhiều lần so với quy chuẩn. Tình hình tiêu thụ tro, xỉ cũng được EVN xử lý tương đối tốt, trong đó các đối tác sử dụng vào các lĩnh vực phụ gia bê tông, phụ gia xi măng, gạch không nung…
Đại diện EVN cũng khẳng định, công tác đảm bảo an toàn môi trường, quản lý môi trường được EVN thực hiện công khai, minh bạch. Đồng thời, các nhà máy cũng thường xuyên tuyên truyền phổ biến thông tin đến người dân khu vực xung quanh nhà máy.
Theo EVN