Xung quanh thông tin một số nước đóng cửa nhà máy nhiệt điện than

LTS: Thời gian qua, đã xuất hiện thông tin về hạn chế, tiến tới đóng cửa các nhà máy nhiệt điện than tại một số nước trên thế giới. Để rộng đường dư luận, BBT đăng tải bài viết của PGS.TS Trương Duy Nghĩa - Chủ tịch Hội Khoa học Nhiệt Việt Nam với mong muốn làm rõ hơn vấn đề này.

Đúng là trên mạng xã hội hiện có rất nhiều thông tin như vậy. Cũng cần hiểu bản chất của những thông tin này. Cụ thể, Trung Quốc tuyên bố đến năm 2025 sẽ đóng cửa 103 nhà máy nhiệt điện (NMNĐ) than. Có một điều hiển nhiên là, không quốc gia nào vừa bỏ ra hàng tỷ USD đầu tư nhà máy nhiệt điện than rồi đóng cửa. Tôi khẳng định, các nhà máy điện này đều sắp hết niên hạn sử dụng. Bởi nếu nhà máy điện đó gây ô nhiễm và nếu Chính phủ Trung Quốc thực sự muốn chống ô nhiễm môi trường thì tại sao phải chờ đến năm 2025 mà không phải bây giờ?

Cần nhấn mạnh, Trung Quốc có hàng nghìn NMNĐ than, việc đóng cửa 103 nhà máy đã hết niên hạn sử dụng và có công suất nhỏ là hết sức bình thường. Trung Quốc không ngừng sử dụng nhiệt điện than vì theo cân đối nguồn năng lượng sơ cấp, trong thời gian ngắn, Trung Quốc chưa có khả năng thay thế than bằng các nguồn năng lượng sơ cấp khác. Hiện nay, Việt Nam mới chỉ có khoảng hơn 20 NMNĐ than đang hoạt động, nhưng cũng đã tuyên bố sẽ đóng cửa 1 nhà máy.

Có thông tin nói rằng, Mỹ sẽ đóng cửa 165 NMNĐ than, nhưng không nói rõ, đó là những nhà máy điện còn hay đã hết niên hạn sử dụng? (Niên hạn của nhà máy nhiệt điện than trung bình là 30 năm). Việc đóng cửa này xảy ra trong bao lâu, trong 1 - 2 năm hay trong vài chục năm? Chỉ tính công suất trung bình 1 triệu kW/1 NMNĐ, thì mất đi 165 triệu kW, nước Mỹ sẽ bù đắp sản thiếu hụt rất lớn này bằng cách nào? Xin lưu ý rằng, đây không phải thông tin chính thống, vì Chính phủ Mỹ chưa bao giờ tuyên bố đóng cửa nhiệt điện than.

Toàn cảnh nhà máy nhiệt điện Lunen, CHLB Đức - là nhà máy điện đốt than cứng sạch nhất châu Âu. Nguồn ảnh: Internet

Cũng có thông tin cho biết, Pháp, Áo, Phần Lan và nhiều nước khác cũng sẽ đoạn tuyệt với nhiệt điện than. Nhiệt điện than ở Pháp chỉ chiếm 3,1% tổng sản lượng điện quốc gia. Con số này ở Áo là 11,8%, Phần Lan 14%, Thụy Điển 0,9%. Do vậy, việc đóng cửa NMNĐ than hầu như không ảnh hưởng đến tình hình cung cấp điện của các nước này. Do đặc thù về tự nhiên và các điều kiện kinh tế, xã hội khác, mỗi nước đều có những nguồn năng lượng thay thế khác như: Pháp có 79,8% điện hạt nhân, Na Uy có tới 95,2% thủy điện, Thụy Điển có 44,2% thủy điện và 40,2% điện hạt nhân. Đây đều là những nước thuộc giai đoạn 3 phát triển điện năng, nghĩa là họ đã bão hòa về nhu cầu điện và là những nước giàu.

Ở Việt Nam, tiềm năng thủy điện hầu như đã được khai thác gần hết, chỉ còn những nguồn công suất nhỏ, không còn đóng góp được nhiều cho tổng sản lượng điện quốc gia. Điện mặt trời, điện gió phụ thuộc rất nhiều vào thời tiết, cùng một công suất điện nhưng sản lượng điện sản xuất ra chỉ bằng khoảng1/3-1/4 sản lượng điện của nhiệt điện than, nhưng suất đầu tư lại rất cao. Chính phủ đã  phê duyệt giá mua điện gió cao hơn 40%, điện mặt trời cao hơn trên 50% so với nhiệt điện than. Sự bù giá điện này, cuối cùng người tiêu dùng phải gánh chịu.

Điện gió, điện mặt trời là điện sạch, nhưng công suất và sản lượng còn nhỏ. Để có được công suất tương đương với tổ máy 600 MW của nhiệt điện than, cần 400 trụ điện gió 1,5 MW. Nhưng để có sản lượng điện của 1 tổ máy 600 MW thì cần phải tới 15.000 trụ điện gió 1,5 MW. Tương tự, để có 1 MW điện mặt trời cần diện tích 1,2-1,5 ha, còn cho sản lượng 3,9 tỷ kWh thì cần diện tích tới 1.700 đến 3.000 ha.

Nhiệt điện than gây ô nhiễm môi trường như thế nào, cần phải được nghiên cứu đầy đủ trên cơ sở phân tích các số liệu thu thập được, không thể phát biểu một cách chung chung, nặng về suy diễn. Quan trọng là, cần xem xét ảnh hưởng của sự phát thải khí từ nhiệt điện than đến môi trường sống xung quanh và phải căn cứ vào các quy chuẩn về quản lý phát thải ra môi trường để đánh giá.

Mặt khác, cũng cần phải công bằng hơn khi đánh giá phát thải của nhiệt điện than so với các nguồn phát thải khác. Điển hình là các động cơ đốt trong và động cơ diesel. Dầu diesel (DO) dùng  để chạy các động cơ diesel có lưu huỳnh = 0,5% cũng tương đương như hàm lượng lưu huỳnh trong than nội địa hoặc than nhập khẩu, nghĩa là cũng thải ra một lượng SO2 tương đương như khi đốt than, lại nằm ngay trên mặt đất, không hề có thiết bị khử SO2 như ở NMNĐ. Nước Đức giàu có như vậy, rất coi trọng môi trường, nhưng cũng vẫn phải chấp nhận cho tồn tại xe ô tô sử dụng động cơ diesel.

Các động cơ đốt trong chạy xăng, dầu diesel cũng thải ra một lượng rất lớn khí CO2 và NOX vì cùng một nguyên lý oxy hóa ni tơ ở nhiệt độ cao. Nếu xét về số lượng nhiên liệu sử dụng cho các phương tiện giao thông trên thế giới thì khối lượng các chất phát thải này cũng là khổng lồ…

Điều cơ bản là nhiệt điện than có thực sự nguy hại, có thực sự gây ô nhiễm môi trường như thông tin đã đưa hay không? Trả lời câu hỏi này, mong rằng, các cơ quan truyền thông đại chúng cân nhắc kỹ việc đưa thông tin liên quan đến nhiệt điện than để cộng đồng xã hội có thể hiểu đúng và đầy đủ, giúp cho sản xuất điện năng ở Việt Nam đạt hiệu quả cao, đồng thời góp phần bảo vệ tốt môi trường sống. 

  • Theo TCĐL Chuyên đề Quản lý & Hội nhập

  • 14/12/2018 09:47

Lĩnh vực hoạt động