Những sản phẩm nào được EVN giới thiệu tại triển lãm thực tế ảo về công nghiệp 4.0?

Có 4 hệ thống công nghệ hiện đại được Tập đoàn Điện lực Việt Nam đưa tới Triển lãm thực tế ảo về Công nghiệp 4.0 - Diễn đàn cấp cao về Công nghiệp 4.0 (Industry 4.0 Summit 2021). Chương trình triển lãm diễn ra từ ngày 9/11 đến ngày 30/11 theo hình thức trực tuyến.

Diễn đàn cấp cao về Công nghiệp 4.0 là một trong những sự kiện quy mô lớn và uy tín hàng đầu Việt Nam trong lĩnh vực chuyển đổi số. Năm 2021, diễn đàn có chủ đề “Đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước trong kỷ nguyên số”, với các hoạt động chính gồm 10 hội thảo chuyên đề, chương trình triển lãm thực tế ảo và phiên toàn thể cấp cao.

Hình ảnh triển lãm các sản phẩm công nghệ của EVN trên nền tảng 3D tại https://expo.i40summit.vn/

EVN tham dự triển lãm trên cả nền tảng 2D và 3D tại website: https://expo.i40summit.vn/. Qua đó, giúp khách tham quan dễ dàng trải nghiệm, tìm hiểu các giải pháp công nghệ, hệ thống CNTT hiện đại của EVN mọi lúc, mọi nơi trên các thiết bị thông minh.

Cụ thể, 4 hệ thống CNTT được EVN giới thiệu tại triển lãm gồm: Hệ thống quản lý tài chính kế toán/vật tư (ERP); Hệ thống quản lý kỹ thuật nguồn và lưới điện (PMIS); Hệ thống văn phòng số (Digital Office); Hệ thống quản lý thông tin khách hàng dùng điện (CMIS).

4 hệ thống công nghệ được EVN giới thiệu tại Triển lãm thực tế ảo về Công nghiệp 4.0

Đây là các hệ thống CNTT do Công ty Viễn thông Điện lực và Công nghệ thông tin (EVNICT) xây dựng, phát triển theo yêu cầu của EVN. Hiện, các hệ thống đang được triển khai trong toàn Tập đoàn, có vai trò quan trọng trong hoạt động quản trị, SXKD điện của EVN, góp phần thúc đẩy quá trình chuyển đổi số diễn ra mạnh mẽ tại EVN.

Bên cạnh việc tham gia triển lãm, đại diện của EVN cũng đã tham dự hội thảo chuyên đề “Phát triển năng lượng xanh và các năng lượng mới trong tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” và có bài trình bày về Ứng dụng thành tựu cuộc CMCN lần thứ 4 và chuyển đổi số của EVN.

  • Hệ thống quản lý tài chính kế toán/vật tư (ERP): được xây dựng với mục tiêu quản lý các hoạt động tài chính, vật tư, mua sắm của các đơn vị trong EVN; đưa ra các quy trình nghiệp vụ thống nhất trong các hoạt động tài chính, vật tư trong toàn EVN; quản lý, khai thác dữ liệu tập trung theo từng tổng công ty và hợp nhất báo cáo EVN; tích hợp các hệ thống, nghiệp vụ dùng chung của EVN.
  • Hệ thống quản lý Kỹ thuật nguồn và lưới điện (PMIS): hiện đại hóa công tác vận hành hệ thống điện, tối đa hóa giá trị thiết bị, tăng hiệu suất, giảm chi phí, tạo điều kiện tổng hợp, báo cáo thuận lợi và dễ dàng giữa các cấp quản lý. Hệ thống PMIS được xây dựng trên nền tảng số hóa toàn bộ cơ sở dữ liệu lưới điện theo dạng cây sơ đồ nguyên lý, chi tiết đến từng vị trí cột từ đó số hóa được hồ sơ tài liệu, xây dựng kho dữ liệu dùng chung, đưa ra các cảnh báo dựa vào thông số vận hành, giảm tồn kho vật tư thiết bị, tối ưu năng lực khai thác thiết bị, …
  • Hệ thống quản lý thông tin khách hàng dùng điện (CMIS): là hệ thống lõi của toàn bộ công tác kinh doanh bán điện, gồm toàn bộ các tính năng, chức năng đáp ứng các yêu cầu theo quy trình nghiệp vụ kinh doanh điện và dịch vụ khách hàng (26 dịch vụ điện), đặc biệt, đáp ứng việc cung cấp các dịch vụ điện, dịch vụ khách hàng theo phương thức giao dịch điện tử.
  • Hệ thống Văn phòng số (Digital Office, gọi tắt là D-Office): là ứng dụng CNTT trong công tác quản lý văn phòng và văn thư lưu trữ, góp phần xây dựng và phát triển một hệ sinh thái văn phòng số của EVN. Hệ thống là công cụ hỗ trợ chỉ đạo, điều hành và kiểm soát quá trình giải quyết công việc, giải quyết các văn bản trong tổ chức; góp phần nâng cao ứng dụng công nghệ thông tin trong cải cách hành chính.

Lĩnh vực hoạt động